Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, xác định, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 304 ngàn tỷ đồng, chưa kể số tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc, lên đến hơn 129 ngàn tỷ đồng. Tổng cộng, bà Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại cho nhà nước và khách hàng số tiền hơn 433.000 tỷ đồng.
Trong lúc, tổng thu ngân sách tại thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đầu tàu kinh tế lớn nhất Việt Nam, năm 2022, là 471.500 tỷ đồng. Như vậy, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan đã làm thất thoát số tiền gần bằng tổng thu ngân sách của thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2022.
Trong vụ này, Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm về quản lý, vì đã bỏ qua các sai phạm, gian lận của SCB. Điển hình, tất cả các thành viên của đoàn thanh tra Ngân hàng SCB đều nhận hối lộ. Trong đó, Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước, trong vai trò là trưởng đoàn thanh tra, đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD (118 tỷ). Thành viên đoàn thanh tra nhận thấp nhất là 100 triệu đồng.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tự cho rằng, họ là lực lượng lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội. Vậy, một câu hỏi đặt ra là, ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lớn nhất trong lịch sử này? Hỏi cũng chính là câu trả lời.
Từ nhiều năm trước đây, công luận đã đặt câu hỏi, ai là chủ nhân thực sự của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát? Cựu Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải hay bà Trương Mỹ Lan?
Bởi bà Trương Mỹ Lan đã nhận được sự giúp đỡ hết sức đắc lực của sâu chúa Lê Thanh Hải, tức Hải “heo”, và nhờ đó mà phất lên nhanh chóng.
Được biết, bà Trương Mỹ Lan tên thật là Trương Muội, sinh năm 1956, xuất thân từ một tiểu thương bán vải bình thường ở chợ An Đông. Nhờ “trời”, bà Trương Muội đã gặp và kết nghĩa chị em với bà Trương Thị Hiền, em gái cựu Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, đồng thời là phu nhân của Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt, Bí thư Quận uỷ quận 5 lúc đó.
Nhờ vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, cuộc đời của bà Trương Muội đã thay đổi hoàn toàn, nhất là sau khi bà Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan, cho gần giống với tên của cựu Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Một thời gian dài, nhiều người cứ nghĩ rằng, bà Trương Mỹ Lan là em gái của cựu Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa vì lý do như vậy.
Nhà báo Hoàng Linh, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ tiết lộ trên trang Facebook cá nhân rằng:
“Chị Lan, gia đình mình giàu bất thình lình.
Eric Chu, chồng chị Lan, từ đại lục sang Hong Kong làm tiếp thị bia, rồi sang Việt Nam vẫn làm tiếp thị cò con.
Chị Lan cũng khởi nghiệp với chút vốn như một tiểu thương. Rồi chị Lan lọt vào mắt xanh của chị 2,4,6…”
Nói thế để thấy, xuất thân của bà Trương Mỹ Lan và ông chồng Chu Lập Cơ cũng hết sức bình thường, hầu như không có bao nhiêu vốn liếng và tài sản khi khởi nghiệp.
Theo giới quan sát, trên thực tế, nhờ dựa vào thế lực của gia tộc Lê Thanh Hải, Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan đã phất lên rất nhanh, từ những năm Lê Thanh Hải làm Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh. Đến khi Lê Thanh Hải lọt vào Uỷ viên Bộ Chính trị và giữ chức Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, lập tức, bà Trương Mỹ Lan quay ra thâu tóm đất vàng, và trở thành trùm tài phiệt bất động sản số một ở Việt Nam.
Kể từ đó, Vạn Thịnh Phát đã trở thành một Tập đoàn khổng lồ, với tổng số vốn lên đến hàng tỷ USD. Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các doanh nghiệp liên quan sở hữu rất nhiều bất động sản có vị trí đất vàng, đất kim cương đắc địa, tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nghĩa là, nhờ vào thế lực và sự bảo kê của Lê Thanh Hải, hầu hết các công sản ở Sài Gòn mang ra bán đấu giá, đều lần lượt rơi vào tay nhà tài phiệt có tên Trương Mỹ Lan.
Mối quan hệ giữa “sâu chúa” Lê Thanh Hải và bà Trương Mỹ Lan được coi là mối quan hệ thâm tình trên mức bình thường. Đó là chuyện “người vợ không cưới, nhưng có hai mặt con với Lê Trương Hải Hiếu, trưởng nam của lãnh chúa Lê Thanh Hải, chính là Cheng Bảo Phương. Ít người biết, cô Cheng chính là con nuôi của Trương Mỹ Lan, và có thời gian hàng chục năm giữ “tay hòm chìa khoá” cho bà Trương Mỹ Lan.”
Lâu nay, công luận vẫn thắc mắc, không hiểu vì lý do gì mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên cương vị người đứng đầu Cơ quan phòng Chống tham nhũng và tiêu cực Trung ương, không đưa Trương Mỹ Lan vào diện án điểm để Cơ quan này theo dõi?
Nếu như vậy, chắc chắn sẽ tránh được thất thoát lớn chưa từng có, do bị can Trương Mỹ Lan gây ra trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Câu chuyện này, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ ở phần sau, để quý vị thấy, trách nhiệm đối với vụ án Vạn Thịnh Phát không chỉ dừng lại ở vai trò của ông Lê Thanh Hải, mà còn là trách nhiệm của Tổng Bí thư Trọng. Nhất là, ông Trọng thường xuyên khẳng định, công cuộc chống tham nhũng không có vùng cấm, không có vùng tránh. Vậy tại sao “con voi” Vạn Thịnh Phát vẫn chui lọt được lỗ kim?
Chờ xem “vùng né” của Tổng Trọng là gì, và vì sao mà tài tình như thế?./.
Trà My – Thoibao.de