Chạy chức: Dưới thời Tổng Trọng, hoa thối đua nhau nở (phần 1)

Trong những người đứng đầu Đảng Cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, thì ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng là người chú trọng nhất đến công tác cán bộ; rao giảng cao giọng nhất về đòi hỏi làm gương của người lãnh đạo; dạy bảo nhiều nhất về chọn lọc, đề bạt quan chức trong bộ máy nhà nước; hội họp nhiều nhất với hai cơ quan tối cao của Đảng là Bộ Chính trị và Ban Bí thư về đội ngũ cán bộ lãnh đạo, và ban hành dồn dập nhất những quyết định, chỉ thị, quy định, về đội ngũ quan chức lãnh đạo Đảng và nhà nước.

Đặc biệt, việc chạy chức, chạy quyền, được Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng săm soi nhiều nhất, cảnh báo nghiêm khắc nhất, răn đe mạnh nhất. Hai kỳ Đại hội Đảng gần đây, ông Trọng đều là Trưởng ban Nhân sự, rà soát từng người khi đưa vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Nhưng, hãy nhìn việc đề bạt quan chức cấp quốc gia của Đảng, sẽ nhận ra ngay cội nguồn của chạy chức chạy quyền, nhận ra đâu là nơi chạy chức một cách ngang nhiên, công khai, ồ ạt và bất tận.

Bỏ qua việc chính, ông Đảng trưởng ráo riết yêu cầu việc làm gương của người lãnh đạo, khắt khe đòi hỏi thực hiện nghiêm những quy định về công tác cán bộ của Đảng. Nhưng chính ông lại là người nêu gương xấu, khi chiếm giữ chiếc ghế hàng đầu của Đảng liền ba nhiệm kỳ liên tiếp, bất chấp Điều lệ Đảng. Cho dù Điều lệ Đảng là quy định có tính nguyên tắc, là luật lệ cao nhất của Đảng.

Đại hội 11 Đảng Cộng sản Việt Nam, diễn ra vào tháng 1/2011, đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên vị trí người đứng đầu Đảng, với chức danh Tổng Bí thư, lúc đó ông đã 67 tuổi. Theo Điều lệ Đảng, tại Chương III, Điều 17, quy định rằng: “Đồng chí Tổng Bí thư giữ chức vụ Tổng Bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

Tuy nhiên, ông Trọng lại cầm quyền đến 3 nhiệm kỳ liên tiếp, suốt từ 2011 đến nay. Trong 3 nhiệm kỳ này, đội ngũ quan chức cấp quốc gia – những người quyết định sự thịnh suy của đất nước, quyết định bộ mặt xã hội và đời sống của người dân – lại bộc lộ ra là một đội ngũ quan chức tồi tệ nhất, yếu kém nhất, hư hỏng nhất, phạm tội nghiêm trọng nhất, gây thiệt hại cho nước, gây tội ác với dân lớn nhất… Chính họ đã đưa đất nước rơi vào những thất bại, khó khăn nghiêm trọng, đẩy người dân vào cuộc sống khốn cùng, phải nhận những mất mát bi thảm. Đến mức, mất đến hàng chục ngàn mạng sống của người dân trong đại dịch Covid-19.

Quyền lực quốc gia ăn chia với tư bản hoang dã, làm giàu bằng tài nguyên đất đai, đẩy người dân vào cuộc đời đau thương, vào cuộc sống cùng quẫn. Thậm chí, họ còn đẩy nhiều dân oan vào thân phận tù tội, diễn ra trên khắp đất nước, từ Văn Giang ở Hưng Yên, Dương Nội và Đồng Tâm ở Hà Nội, đến Thủ Thiêm ở Sài Gòn.

Tư lệnh Cảnh sát biển bán biển cho đường dây buôn lậu. Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ bảo lãnh cho gian thương buôn kit test dỏm. Rồi chính quyền địa phương cưỡng bức dân, buộc người dân phải ngoáy đi ngoáy lại mũi bằng kit dỏm của gian thương, cộng thêm chính sách phong tỏa cực đoan, khiến dịch Covid bùng phát giết chết hơn bốn mươi ba ngàn dân.

Cả hệ thống quyền lực tổ chức những chuyến bay hút máu dân, núp dưới cái tên mỹ miều, lừa bịp – “chuyến bay giải cứu”.

Những vụ việc ghê tởm, bẩn thỉu, nhục nhã này diễn ra dồn dập trên khắp đất nước, đã phơi bày bộ mặt thấp hèn, bất lương, độc ác, không còn một chút tính người của đám quan chức quốc gia, dưới triều đại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hãy nhìn xuyên qua lớp vỏ hào nhoáng có tên là “chiến dịch đốt lò”, để thấy, đằng sau nó là những gì? Đó là một một rừng quan tham đua nhau nở rộ. Đó là một rừng những nhóm lợi ích cấu kết nhau để trục lợi từ nhân dân. Ngày trước, lừa đảo ngàn tỷ đã là quá nhiều, nay lừa đảo lên đến trên 30 vạn tỷ đồng. Quan chức ăn trăm tỷ, ngàn tỷ ngày một nhiều.

Đấy mới thực sự là dấu ấn của ông Nguyễn Phú Trọng – Đảng trưởng hiện nay.

Ý Nhi – Thoibao.de