Link Video: https://youtu.be/dRhPg3he8BM
Ngày 7/11, VOA Tiếng Việt có bài “Hàng trăm người kêu gọi Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Việt Nam điều tra lại 3 vụ “án oan”’.
Cụ thể, hàng trăm người đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư do các luật sư thảo, để yêu cầu các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cùng các cơ quan có thẩm quyền, xem xét và điều tra lại các vụ án mà họ cho là oan sai, đối với các tử tù Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh, trong đó ông Mạnh đã bị hành quyết.
VOA cho biết, bất chấp sự phản đối của nhiều nước phương Tây và người dân trong nước, chính quyền Việt Nam đã hành quyết ông Mạnh vào ngày 22/9, trong lúc gia đình vẫn đang đi kêu oan cho ông. Một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng 10 nói, ông “bàng hoàng” và “thất vọng” trước việc Chính phủ Việt Nam hành quyết ông Mạnh.
VOA dẫn thỉnh nguyện thư do Luật sư Lê Văn Hòa soạn thảo, viết rằng:
“Các Luật sư và gia đình các bị án đã gửi nhiều Kiến nghị, Tâm thư và đưa ra nhiều tài liệu chứng cứ chứng minh việc khởi tố, truy tố, xét xử và kết án tử hình đối với cả 03 tử tù Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải, Lê Văn Mạnh là không khách quan, thiếu thuyết phục, nhiều tài liệu chứng cứ mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.”
Thỉnh nguyện thư này hiện đã được 365 người ký tên tính đến ngày 6/11.
Được biết, ông Nguyễn Văn Chưởng bị cáo buộc là chủ mưu và tham gia chém giết Thiếu tá Cảnh sát Nguyễn Văn Sinh “nhằm cướp tài sản” và bị Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng kết án tử hình vào năm 2008. Ông Chưởng và gia đình đã kêu oan suốt hơn 16 năm qua. Gia đình ông Chưởng hôm 4/8 đã nhận được thông báo về việc Tòa đã ra quyết định tiến hành tử hình ông nhưng không được biết ngày thi hành án.
Ông Nguyễn Trường Chinh – bố của Nguyễn Văn Chưởng – nói với VOA rằng, con trai ông ở Hải Dương tại thời điểm vụ án xảy ra ở Hải Phòng ngày 14/7/2007.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nghi ngờ tính khách quan của bản án phúc thẩm đối với ông Chưởng, nhưng Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, đã bác kháng nghị này.
Ông Hồ Duy Hải bị buộc tội giết chết hai phụ nữ ở tỉnh Long An vào năm 2008. Hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt bị cáo này mức án tử hình, song ông Hải và gia đình đã kêu oan suốt 15 năm qua. Hàng nghìn người trên khắp thế giới cũng đã từng kiến nghị đòi công lý cho ông hồi tháng 5/2020.
Ông Lê Văn Mạnh, người đã bị thi hành án vì bị kết tội giết và hãm hiếp một em gái vị thành niên ở Thanh Hóa vào năm 2005, dù ông và gia đình đã kêu oan suốt 17 năm qua. Mẹ của ông Mạnh, bà Nguyễn Thị Việt, nói với VOA rằng, con trai bà cùng bà đi chuyển nhà cho em gái, vào thời điểm án mạng xảy ra, nên không thể là kẻ giết người.
Theo VOA, ngoài Tổng Bí thư Trọng và Chủ tịch Thưởng, thỉnh nguyện thư còn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các đại biểu Quốc hội “quan tâm xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngay lập tức tiến hành các thủ tục đặc biệt để giải quyết dứt điểm 3 vụ án nêu trên”.
VOA dẫn lời Luật sư Hòa cho biết, ông sẽ gửi thỉnh nguyện thư tới ông Trọng, ông Thưởng và các cơ quan công quyền, khi có 500 người ký ủng hộ để kiến nghị tạm dừng thi hành án vô thời hạn đối với ông Chưởng và ông Hải, trong khi giải quyết hậu quả việc truy tố kết tội oan, cũng như xử lý theo pháp luật đối với các cá nhân tiến hành tố tụng trực tiếp, thụ lý giải quyết các vụ án oan này, nếu không chứng minh được họ có tội.
VOA dẫn lời Luật sư Trần Anh Tùng, người cũng ký tên trong thỉnh nguyện thư, sẽ không có cơ hội để sửa chữa những sai sót sau khi thi hành án tử hình và tất cả mọi người cần phải lên tiếng trước khi quá muộn.
Ông Chinh, bố ông Chưởng nói với VOA rằng, ông hy vọng thỉnh nguyện thư “có nhiều người biết và sẽ tới tai mắt người có tâm đức” để cứu con ông cũng như các tử tù khác.
Ý Nhi
>>> Đấu tố Thành Bưởi, trở lại cách hành xử man rợ thời cải cách ruộng đất
>>> Vụ lấp biển vịnh Hạ Long có mùi đánh nhau
>>> Đầu tư công – quan chức cẩn thận kẻo thành củi
>>> Sau lùm xùm, Hà Nội đã chi trả tiền hỗ trợ cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini
Việt Nam mong muốn phát triển sản xuất chip, nhưng liệu có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư?