Công cuộc phòng và chống tham nhũng ở thành phố Hồ Chí Minh đã có thay đổi đáng quan tâm. Đó là, thay vì tuyên truyền vận động tố cáo tham nhũng, đã tiến đến việc chính quyền bỏ tiền để “mua tin” tố cáo tham nhũng, từ người dân.
Truyền thông nhà nước đưa tin, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về việc “mua tin” từ người dân, để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Báo Thanh Niên ngày 01/11 đưa tin với tiêu đề, “Mua tin để phòng, chống tham nhũng”, cho biết, Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành quy định mua tin, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Quy định này nêu rõ, việc mua tin không phải là một giao dịch dân sự, mà là hình thức khuyến khích, động viên, nhằm phục vụ công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tổng số tiền người cung cấp thông tin được nhận, không vượt quá mức quy định là 10 triệu đồng cho một vụ việc tố cáo.
Người dân có thể gửi thông tin về Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực, hoặc gửi cho các thành viên Ban chỉ đạo, kể cả Ban Nội chính Thành ủy.
Các thông tin này được quy định cụ thể là, tố cáo, phản ảnh về hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức do Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố quản lý.
Người tố cáo có thể gặp trực tiếp hoặc gửi văn bản qua đường bưu điện. Việc tiếp nhận thông tin theo nguyên tắc “đơn tuyến”, trực tiếp, không thông qua trung gian. Danh tính của người “bán” thông tin sẽ được lưu trữ theo chế độ mật.
Thông tin phản ảnh sẽ được Ban Chỉ đạo thẩm tra, xác định mức chi trả, dựa trên kết luận, kết quả giải quyết và mức độ, tính chất của hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Phản ứng của dư luận xã hội với vấn đề này, đa số cho rằng, người dân sẽ không dám tố cáo vì sợ bị trả thù. Tham nhũng ở Việt Nam mang tính hệ thống, và lấy gì để đảm bảo rằng, trong nội bộ của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực, không có tay trong của những kẻ tham nhũng? Do đó, việc đi tố cáo, chẳng khác nào tự rước họa cho bản thân.
Ở Việt Nam đã có đủ thứ luật, như: Luật Tố cáo; Luật Phòng chống tham nhũng v.v…, đều có các điều khoản quy định về tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, cũng như tố cáo cán bộ tham nhũng. Đó là chưa kể tới Chỉ thị 27 của Ban Bí thư và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị… đều khuyến khích người dân tố cáo với cam kết bảo vệ người tố cáo.
Nhưng, thực tế cho thấy, pháp luật ở Việt Nam không được coi trọng và thượng tôn. Cho nên, việc chính quyền tuyên truyền, hứa hẹn sẽ bảo vệ người tố cáo, nhưng thực chất, đã có rất nhiều người tố cáo chống tham nhũng, sau đó thì bị trù dập.
Đơn cử với bằng chứng là, cựu Đại úy Công an Lê Chí Thành, vì tố cáo tham nhũng tiêu cực của Giám thị Trại giam Thủ Đức, nơi Đại úy Thành công tác, và tố cáo hành vi tham nhũng của lực lượng cảnh sát giao thông trên mạng xã hội… đã bị khởi tố bắt giam và kết án tù giam với cáo buộc “Chống người thi hành công vụ” và tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đến tầm cỡ như Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Trọng Đạt, công khai phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3/2016, rằng: “Chống lại họ có khi chúng tôi chết trước!”
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, khi nhận định về vấn đề này, đã cho biết, cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng ở Việt Nam hiện nay chưa rõ ràng. Cụ thể theo Luật sư Thuận nói:
“Ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định, mà ngay cả những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng hô hào. Luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.”
Dẫn ra như vậy để thấy, cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, từng có một câu nói nổi tiếng, “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm”, và điều đó đã trở thành một chân lý tuyệt đối đúng./.
Trà My – Thoibao.de