Việt Nam có thoát được bàn tay của Trung Quốc hay không?

Link Video: https://youtu.be/HiYkfu9GetA

Ngày 27/10, RFA có bài bình luận của Nguyễn Chấn Hiệp với tựa đề “Liệu Việt Nam có sa vào bẫy nợ mới của BRI?”

Tác giả dẫn phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình, với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao: Cùng nhau vì sự phát triển và thịnh vượng chung”, trong đó, coi Trung Quốc là lựa chọn thay thế Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Phát biểu này của ông Tập là tại Lễ kỷ niệm 10 năm Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), do Trung Quốc tổ chức.

Tác giả cho biết, trong 10 năm qua, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Điều này giúp Trung Quốc nâng cao đáng kể quyền phát ngôn quốc tế, nhưng cũng khiến họ phải đối mặt với xung đột địa chính trị ngày càng tăng.

Theo tác giả, công trình được Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền cho thành công của BRI, chính là tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào dài 1.035 km, kết nối Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với thủ đô Viêng Chăn của Lào. Trung Quốc có kế hoạch kéo dài tuyến đường sắt này đến Thái Lan, Malaysia và Singapore trong thời gian tới.

Ngoài ra, tuyến đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung do Trung Quốc và Indonesia hợp tác xây dựng, cũng là một dự án mang tính biểu tượng của BRI.

Tuy nhiên, tác giả cho hay, nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới phân tích, một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, đứng sau chuỗi sản xuất của các nước được đầu tư, dẫn dắt sự phát triển của các dự án, khiến các nước đầu tư không thể tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn, từ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng không thể mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, nên nguồn vốn đầu tư lớn của các dự án, sẽ trở thành nợ trong ngắn hạn. Vì vậy, phương thức cho vay của Trung Quốc bị các nước phương Tây chỉ trích là “bẫy nợ”. Chẳng hạn, Sri Lanka đã buộc phải cho Trung Quốc thuê lại cảng Hambantota trong 99 năm.

Tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào là một gánh nặng kinh phí lên đến hơn 1,4 tỷ USD, trong khi GDP của nước này chỉ có 20 tỷ USD. Do đó, tháng 9/2020, Lào đã phải chuyển giao một phần dự án lưới điện, trị giá 600 triệu USD, cho Trung Quốc, để gán nợ.

Hình: Niềm tự hào biến thành “bẫy nợ”

Tác giả dẫn báo cáo của tổ chức uy tín trên thế giới, công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy, trong giai đoạn 2008 – 2021, Trung Quốc đã tài trợ 240 tỷ USD cho 22 nước đang phát triển. Báo cáo nêu rõ, ngày càng nhiều nước nhận tài trợ của Trung Quốc khó thanh toán các khoản vay đúng hạn.

Tác giả dẫn báo chí Việt Nam thời gian gần đây, cho biết, hai nước đang thúc đẩy kết thúc đàm phán về kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với “Sáng kiến Vành đai và Con đường”.

Khả năng trong tháng tới, Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Việt Nam, và chắc chắn, khi Tập sang, sẽ có một số thoả thuận được ký kết, trong đó có BRI. Có lẽ dự án đường sắt Lào Cai – Hải Phòng sẽ do phía Trung Quốc cho vay và trực tiếp thực hiện xây dựng.

Tác giả phân tích, để phát triển hạ tầng ở Việt Nam, nếu áp dụng hình thức vay vốn từ các định chế tài chính lớn của Trung Quốc, gánh nặng nợ vay và bài toán nợ công sẽ trở thành một vấn đề rất đáng lo ngại.

Thực tế, rất nhiều công trình xây dựng hạ tầng mà Trung Quốc thắng thầu và vay vốn Trung Quốc, đã bị đội vốn so với dự toán ban đầu, thậm chí gấp ba đến bốn lần. Công nghệ của các dự án thường lạc hậu, các khoản vay trong dự án thường đi kèm với điều kiện sử dụng vật tư và nhân công từ Trung Quốc khiến cho nhân công Việt Nam bị mất việc làm, đồng thời tạo ra các bất ổn xã hội khi người Trung Quốc tập trung nhiều ở Việt Nam.

Về an ninh, đối ngoại, “Vành đai và Con đường” gây chia rẽ nội bộ ASEAN, tác động bất lợi cho Việt Nam về việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trung Quốc muốn thông qua khuôn khổ hợp tác này để thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, với từng nước ASEAN, và lôi kéo ngày càng nhiều các nước ASEAN vào quỹ đạo ảnh hưởng của mình.

Tác giả kết thúc bài bình luận với câu hỏi để ngỏ: Với chuyến thăm lần này của Tập sang Việt Nam, liệu Việt Nam có thoát khỏi bẫy BRI đang giăng ra hay không?

Thu Phương

>>> Dệt may – một trong các ngành mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam đang rơi tự do

>>> Tình trạng thị trường bất động sản Việt Nam có giống Trung Quốc?

>>> Vụ Ngọc Trinh khiến công an rối như tơ vò

>>> Bộ Công an thu thập thêm nhiều thông tin của dân nhằm kiểm soát công dân

Tỉnh Hòa Bình bán đấu giá 2 con cá nuôi ở lòng hồ thu được 115 triệu đồng