Trong báo cáo mới đây của ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao – trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, về công tác của các tòa án trong năm 2023, nói rằng “Năm 2023, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội”. Trong khi đó, chính quyền mới vừa cho thi hành án tử hình oan đối với tử tù Lê Văn Mạnh cách đó chưa lâu.
Được biết, đây không phải là phát biểu lần đầu tiên của ông Nguyễn Hòa Bình về án oan. Ngày 25/3/2021, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hòa Bình cũng nói rằng, “Trong 5 năm không phát hiện án oan sai nào”.
Trong khi đó, vào tháng 5/2020, chính ông đã chấp nhận vật chứng mua ngoài chợ để kết án tử Hồ Duy Hải, trong phiên xét xử Giám đốc thẩm. Vụ án được công luận quan tâm, và hầu hết đều rất phẫn nộ trước phán quyết của tòa, bởi tòa đã kết án oan cho Hồ Duy Hải một cách quá trắng trợn.
Việc làm án oan một cách lạnh lùng, rồi sau đó nói trước truyền thông là không có án oan, như là bàn chất của ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Bản chất được ông Nguyễn Văn Thiệu mô tả rất chính xác, trong câu nói mà nhiều người luôn nhắc đi nhắc lại rằng, “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, hãy nhìn những gì Cộng sản làm.
Đừng nghe những gì ông Nguyễn Hòa Bình nói, hãy nhìn những gì ông ta làm, thì sẽ thấy rõ bản chất con người ông này. Nguyễn Hòa Bình là một con người nguy hiểm cho ngành tư pháp. Trước đây, ngành tư pháp hàm oan dân còn giấu diếm, chứ đến thời của ông Nguyễn Hòa Bình thì công khai trắng trợn.
Cứ hàm oan rồi lại nói những lời đạo lý vô nghĩa và giả tạo, nhưng lại được bộ máy bung hết công suất để tuyên truyền, nhằm lấn át những tiếng kêu gào của dân oan trên khắp mọi miền đất nước.
Sau khi ép án tử cho Hồ Duy Hải, với chứng cứ mua ngoài chợ, thì lẽ ra, ông Nguyễn Phú Trọng cần loại ông Nguyễn Hòa Bình ra khỏi ngành tư pháp, để ngành này bớt tàn nhẫn đi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng lại nâng ông Nguyễn Hòa Bình lên nấc thang quyền lực mới.
Ở Đại hội 13 vào đầu năm 2021, trong vai trò là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội, ông Trọng đã để cho một hung thần của ngành tòa án lọt vào Bộ Chính trị. Điều này cho thấy, ông Trọng đã đi ngược lại ý chí của người dân.
Tuy ông Trọng có đánh tham nhũng thật, tuy nhiên, điều ông làm hại cho dân cho nước thì mấy ai thấy? Công lao đốt lò “Bác Tổng” ôm hết, còn việc dùng những người hại dân hại nước như Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh vv… thì dường như không phải là “thành tích” của ông Tổng vậy.
Với vai trò là người đứng đầu Đảng, ông Trọng chính là người phải chịu trách nhiệm chính trong việc phá nát nền tư pháp.
Tư pháp là sửa người, còn giáo dục là trồng người. Cách làm của tư pháp Cộng sản hiện nay không những không sửa người, mà còn là hại người nhiều hơn nữa. Trong khi đó, ngành giáo dục từ khi ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, với các đời Bộ trưởng như Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ và bây giờ là ông Nguyễn Kim Sơn, đều khiến cho ngành giáo dục Việt Nam trở nên tệ hại như hôm nay.
Người ta nói, bác sĩ rởm thì hại một số người, thầy rởm thì hại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn học sinh. Còn nền giáo dục nát thì làm cho cả một dân tộc bị thui chột. Cho nên, cái hại lớn nhất là Cộng sản để cho nền giáo dục luẩn quẩn dưới vũng bùn như hiện nay, thì có thể nói, tương lai u ám đang chờ dân tộc này phía trước.
Đánh tham nhũng là cách tạo tiếng vang cho cá nhân ông Tổng. Chứ người thay thế quan tham cũng chẳng khá hơn kẻ đã bóc lịch vì tham nhũng. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Lê Hoàng Quân xuống thì được thay thế bằng Nguyễn Thành Phong, rồi Nguyễn Thành Phong cũng bị kỷ luật. Tại Hà Nội thì Nguyễn Đức Chung được thay bằng Chu Ngọc Anh, mà Chu Ngọc Anh thì cũng chẳng khá gì hơn.
Tất cả những hoạt động chống tham nhũng không hề giúp chính quyền sạch hơn, trong khi đó, tư pháp bẩn và giáo dục bẩn đang tàn phá đất nước còn kinh khủng hơn cả chiến tranh.
Ý Nhi – Thoibao.de