Là công dân Việt Nam thì phải luôn chứng kiến những bất công và kèm theo đó là những bất lực. Bởi nhà nước này luôn hành động một cách tùy tiện không theo luật nào cả. Dân chịu oan thì chỉ có chấp nhận chịu oan mà chẳng biết đi đâu để đòi công lý, bởi vì kẻ cầm cán cân công lý ở xứ này cũng chính là kẻ tạo ra bất công, và kể cả oan khiên cho người dân thấp cổ bé họng.
Chuyện hai chàng thanh niên bắt trộm con vịt về nhậu bị tuyên 7 năm tù, còn cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm thất thoát 15.000 tỷ đồng thì được hưởng án treo, là hình mẫu cho cái gọi là “công bằng dân chủ và văn minh” của chế độ này.
Mới đây, ông Lê Hồng Nam – Thiếu tướng, Giám đốc Công an TP HCM cho bắt giam người mẫu Ngọc Trinh, làm cả xã hội bất ngờ. Từ bất ngờ đi đến bất bình, bởi Ngọc Trinh chỉ tập mô tô với những tư thế nguy hiểm, chứ cô không làm việc gì phi pháp. Một số chuyên gia luật pháp cho biết, tội này không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền, tước bằng lái (nếu có) hoặc thu xe là đủ.
Tuy nhiên, Công an TP HCM lại đi quá xa khi bắt giam cô người mẫu nổi tiếng này.
Mạng xã hội hầu hết tỏ ra bất bình với quyết định của Công an TP HCM. Nếu so sánh “tội” của Ngọc Trinh với tội của 4 tiếp viên hàng không, những người đã xách hơn 10 kg ma túy tổng hợp về sân bay Tân Sơn Nhất, hồi tháng 3 vừa qua, thì mới thấy sự tùy tiện của Công an TP HCM. Bốn tiếp viên hàng không bị bắt tại trận, có nhân chứng vật chứng rõ ràng, nhưng Công an TP HCM vẫn thả người.
Như thông thường, mỗi lần bộ máy công quyền chà đạp lên luật pháp bằng những hành động tùy tiện, và bị dư luận phản ứng, thì ngành tuyên giáo lại chỉ đạo báo chí ra tay. Trên báo, những luật sư nô bộc lại dùng mác luật sư trả lời báo chí, để bao che cho sai phạm của công an. Theo đó, họ kiến giải rằng, Ngọc Trinh phạm vào tội “gây rối trật tự công cộng”, “công cộng” ở đây được hiểu là “không gian mạng”.
Đây là sự kiến giải rất tùy tiện, bởi Quốc hội chưa hề thông qua điều luật nào nói “không gian công cộng”bao gồm “không gian mạng”. Vậy là, mấy ông luật sư nô bộc này muốn làm thay cả công việc làm luật của Quốc hội hay sao? Còn nghiêm trọng hơn nữa là, những ông luật sư nô bộc này lại vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội – nguyên tắc cơ bản nhất mà người luật sư nào cũng phải học qua.
Khi cơ quan nhà nước làm sai, thay vì nghe lời góp ý của dân để chùn tay lại và sửa sai, thì chính quyền Cộng sản lại không làm như vậy. Họ dùng bộ máy công an bịt miệng người lên tiếng, và dùng báo chí tuyên truyền chiếm diễn đàn để đánh lạc hướng dư luận. Tám trăm tờ báo nô bộc được sử dụng để hót đồng thanh cùng một bản nhạc, để át đi những tiếng nói đòi công lý yếu ớt từ người dân.
Trong trường hợp của Ngọc Trinh, cô đang bị cả một bộ máy khổng lồ cố tình bịa luật, để gán ghép tội cho cô. Cô bị chính quyền tự xưng là “của dân, do dân và vì dân” biến thành dân oan. Và có lẽ đúng hơn là “nghệ sĩ oan” hoặc “chân dài oan”.
Nếu so sánh lỗi của Ngọc Trinh và lỗi của nghệ sĩ Hoài Linh, thì sẽ thấy sự bất công trong cách hành xử của chính quyền Cộng sản. Tính đến thời điểm bà Nguyễn Phương Hằng livestream tố cáo, nghệ sĩ Hoài Linh đã gom được 14 tỷ đồng từ các mạnh thường quân, nhưng không phát cho nạn nhân chịu thiên tai đồng nào. Điều này không đủ yếu tố để cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay sao? Cùng trong giới nghệ sĩ, nhưng ông Lê Hồng Nam có thể dung túng cho người này phạm pháp, nhưng lại trừng trị người khác phạm lỗi nhỏ không đáng tội. Vậy thì, ông này có xứng đáng để đứng đầu một lực lượng chấp pháp của một thành phố lớn hay không? Ông ta có bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, hay chính ông ta chà đạp lên pháp luật?
Một chính quyền đã làm sai mà còn cố tình che đậy, cố bảo vệ cái sai tới cùng, thì có thể nói là rất nguy hiểm. Nguy hiểm cho dân và nguy hiểm cho cả xã hội.
Ý Nhi – Thoibao.de