Thời gian gần đây, tình trạng các văn bản quy định pháp luật chồng chéo, đã làm cho cán bộ lúng túng khi áp dụng, sợ trách nhiệm, không dám thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình là một vấn đề nóng.
Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ cho biết, “Có tình trạng này là do chính sách, văn bản pháp luật chồng chéo, cái này phủ định cái kia, đúng ở văn bản này sai ở văn bản khác, cái này cấm, cái kia lại cho phép…”
Báo Thanh Niên ngày 13/10 đưa tin kể trên với tiêu đề, “Chủ tịch thanh phố Hồ Chí Minh: Quy định chồng chéo khiến cán bộ băn khoăn khi tham mưu”. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, quy định pháp luật chồng chéo khiến cán bộ băn khoăn, e ngại người làm hiểu pháp luật thế này, người kiểm tra hiểu pháp luật thế khác.
Đây là một vấn đề nổi cộm trước một tình trạng đa số cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước sợ sai, không dám thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình. Tâm lý chung là sợ vấn đề “đốt lò”, chẳng cần biết đúng sai, cứ sai ý của lãnh đạo Đảng là sinh chuyện.
Như vậy, vai trò của Quốc hội là cơ quan lập pháp ở đâu, khi ban hành các văn bản pháp luật chồng chéo, không rõ ràng, khiến cho cán bộ phải băn khoăn, e ngại, vì văn bản luật có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau?
Hiến pháp năm 2015, Điều 69 hiến định rõ, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.”
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thừa nhận tình trạng vừa kể, và nói rằng, nếu vướng mắc về chính sách, văn bản pháp luật khó thực hiện, cứ trình lên Chính phủ chứ đừng ngại, vì Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ.
Trên thực tế, giới chuyên gia cho rằng, cơ quan lập pháp – Quốc hội Việt Nam – không thực hiện vai trò theo quy định của Hiến pháp. Cụ thể:
Một là, Quốc hội không thực hiện việc trực tiếp soạn thảo các dự luật, luật và văn bản dưới luật… Quốc hội không giữ vai trò lập pháp mà trở thành cơ quan “đóng dấu”, thông qua các dự luật, luật… do Chính phủ soạn thảo và đệ trình.
Hai là, chất lượng đại biểu Quốc hội yếu kém, hấu hết không có chuyên môn luật pháp, không có năng lực soạn thảo văn bản dự luật. Thậm chí việc đọc, hiểu khi thông qua các dự luật với câu chữ không chặt chẽ, dễ khiến cho mỗi người hiểu theo ý khác nhau. Nghĩa là, khi chất lượng của đại biểu Quốc hội yếu kém, thì đương nhiên, chất lượng lập pháp cũng tương tự.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nhận xét: “Đây không phải là điều hay, các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, là một cách hiểu rất sai về mặt nguyên tắc. Quốc hội – với vai trò lập pháp, còn Chính phủ – trong vai trò hành pháp, thực thi pháp luật – là hai định chế hoàn toàn khác nhau.
Nhưng ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đứng trên tất cả, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng “Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”. Vì vậy, việc Thủ tướng nói rằng, Quốc hội đồng hành với Chính phủ, là sai, nhưng cũng đúng.
Nó phản ánh một tình trạng ở Việt Nam, theo đó “luật là tao, tao là luật”. Đồng thời cho thấy, Quốc hội Việt Nam chỉ là công cụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, có nghĩa là, Đảng muốn như thế nào thì yêu cầu Quốc hội làm luật đúng như thế.
Luật pháp Việt nam, như Luật sư Ngô Bá Thành từng có một câu nói để đời, “Ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng”, cho thấy, thực chất hệ thống pháp luật Việt Nam như thế nào?
Nhận xét về cách tổ chức của Quốc hội Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành, một Việt kiều đã về làm việc tại Việt Nam nhiều năm cho biết:
” Ở Việt Nam, mấy người vào Quốc hội như mấy ông sư hay tướng tá là một việc hết sức khác so với các nước. Họ không bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ. Nó độc đáo ở chỗ, phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau, chờ Chính phủ đưa ra những dự án luật này luật kia, rồi họp nhóm rồi cho ý kiến và cuối cùng thì bấm nút thế là xong!”./.
Trà My – Thoibao.de