Ngày 20/10, VinFast cho biết, họ đã ký được hợp đồng với Quỹ Yorkville, trong đó, quỹ đầu tư của Mỹ cam kết mua cổ phần lên tới 1 tỷ USD trong thời hạn của thỏa thuận. Được biết Yorkville là một quỹ quản lý đầu tư của Mỹ, có hơn 20 năm kinh nghiệm đầu tư vào các công ty niêm yết.
Theo hợp đồng, Yorkville đăng ký mua số cổ phiếu phổ thông trị giá lên tới 1 tỷ USD của VinFast, bất cứ lúc nào trong vòng 36 tháng.
Trong tình hình cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq đang cắm đầu, giá cổ phiếu tính đến ngày 20/10 là 5,35 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu thì thừa thãi mà nhà đầu tư không mặn mà gì, thì nguy cơ cổ phiếu VFS trở thành “cổ phiếu rác” ngày một gần với hiện thực hơn. Trước tình hình này, ông Phạm Nhật Vượng phải tìm hướng giải quyết, và việc ký cam kết với Quỹ Yorkville như là vớ được một chiếc phao.
Tuy nhiên, những tín đồ của VinFast chớ vội mừng, bởi trong quá khứ, đã từng có một hãng xe điện đang trong cảnh khốn đốn và cầu cứu Quỹ Yorkville, nhưng cuối cùng họ cũng không thoát khỏi phá sản. Khi Quỹ Yorkville thấy không thể làm gì để cải thiện tình hình được, thì họ đã quay lưng.
Ngày 26/7/2021, tờ New York Times của Mỹ có đăng bài với tựa đề “Lordstown Motors, một công ty khởi nghiệp xe tải điện đang gặp khó khăn, huy động được tới 400 triệu USD”. Kẻ hứa mua cổ phiếu của hãng ô tô điện này chính là Quỹ Yorkville.
Tuy nhiên, trên thực tế, quỹ Yorkville đã không rót một đồng vốn nào, và hãng xe này ngày một hấp hối. Quỹ Yorkville đóng vai trò người cứu mạng cho hãng xe, nhưng thực chất họ chỉ hứa suông, chứ không bị bắt buộc. Sau khi ký hợp đồng ghi nhớ, họ quan sát hãng xe, nếu cổ phiếu có khả năng hồi phục và có triển vọng, thì họ thực hiện hợp đồng. Còn nếu thấy hết khả năng cứu thì họ “chuồn thẳng”.
Về phía hãng xe điện, họ cũng không kỳ vọng gì vào Quỹ Yorkville. Mục đích của họ là tìm một cái tên đứng ra hứa hẹn, để họ lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, vốn đã không còn tin vào năng lực của doanh nghiệp nữa. Đấy chỉ là biện pháp kích cầu trên thị trường chứng khoán, nhưng Lordstown Motors đã thất bại.
Thực ra, hãng xe điện Lordstown Motors lúc đó đang đứng trước nguy cơ phá sản, nên phải “vái tứ phương”, nếu may trúng thầy hay thì họ được cứu. Tuy nhiên, Quỹ Yorkville không phải là thầy hay, mà chỉ là “lang băm”. Thực tế đã chứng minh như thế.
Sau gần 2 năm cầu cứu Quỹ Yorkville, thì đến ngày 27/6/2023, hãng tin Reuters đã đưa tin, theo đó, hãng xe điện Lordstown Motors đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Điều này kết thúc một cuộc đời “sớm nở tối tàn” của một hãng xe điện đình đám trên đất Mỹ. Được biết, hãng Lordstown Motors có Foxcom là một cổ đông, đây là một ông lớn trong ngành điện tử viễn thông của Đài Loan. Vậy mà hãng xe này cũng không thể trụ nổi trước sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường xe điện Mỹ.
Bài thuốc mà ông Phạm Nhật Vượng đang hốt cho VinFast, cũng giống y hệt như bài thuốc mà Lordstown Motors đã dùng trước đó. Cho nên, khi ông Vượng dùng lại bài thuốc của Lordstown Motors, thì ông cũng tạo ra một rủi ro, chứ chẳng phải là một cái phao thực sự. Ông Vượng cũng đang “vái tứ phương” để tìm thầy lang cho VinFast, nhưng xem ra, ông Vượng tìm sai thầy. Rất khó để VinFast hồi phục.
Sân chơi xe điện là sân chơi mới, các đại gia ngành xe xăng chuyển đổi từ từ nên họ không bị bất ngờ. Hơn nữa, những hãng xe xăng lâu năm có công nghệ lõi, thị trường lớn và tiềm lực tài chính mạnh. Các hãng xe chuyển từ xăng sang điện sẽ ít rủi ro hơn hãng xe đầu tư mới hoàn toàn vào xe điện. Đó là lý do, hãng xe điện thường dễ bị phá sản hơn hãng xe xăng.
Hãng VinFast cũng từng sản xuất xe xăng rồi chuyển sang điện. Tuy nhiên, hãng xe của ông Vượng chỉ làm xe xăng trong một thời gian rất ngắn, vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có thị trường đủ lớn, và vấn đề hậu mãi thì rất tệ, không thể so sánh với hãng xe toàn cầu. Vì thế, hãng xe của ông Vượng chẳng khác mấy với hãng xe thuần điện hiện nay.
Với cách cầu cứu Quỹ Yorkville, xem ra, hãng xe của ông Vượng đã lâm vào bước đường cùng. Liệu ông Vượng có dẫm lên vết xe đổ của Lordstown Motors hay không, thì thời gian sẽ trả lời.
Ý Nhi – Thoibao.de