Ngày 16/10, ông Trần Cẩm Tú có bài viết với tựa đề “Ngành Kiểm tra Đảng tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành”, được đăng trên báo Nhân Dân. Với vai trò là người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương, mà lại tự viết bài tâng bốc chính cơ quan của mình, thì đấy chỉ có thể là người trơ tráo. Muốn xây dựng Đảng, muốn Đảng trong sạch, thì cần phải có những bài viết phê bình, chỉ ra khuyết điểm của Đảng để khắc phục, chứ không phải là những bài viết tự bốc thơm như thế này.
Đây là căn bệnh mãn tính của Đảng Cộng sản. Chỉ thích được tâng bốc, không thích bị phê bình, mặc dù họ vẫn ra rả mấy chữ “phê và tự phê”.
Theo ông Trần Cẩm Tú, “xử lý kỷ luật Đảng phải nghiêm minh, kịp thời”. Có lẽ, trong 12 năm làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng Ủy ban Kiểm tra Trung ương để trừng trị rất nhiều người. Nhìn vào lượng quan chức bị kỷ luật và nhất là những người bị tống vào tù, thì có thể nói, ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư mạnh tay nhất so với các đời trước đây. Nguyên nhân là, từ khi mở cửa, kinh tế phát triển, tiền trong dân nhiều hơn, nên quan chức tha hồ rút rỉa. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho quan tham trong Đảng trở nên nhiều hơn trước. Hơn nữa, ở thời kì mà internet, đặc biệt là mạng xã hội, trở nên phổ biến, kẻ ăn của dân dễ bị tố hơn trước. Người dân chịu oan ức, có bất bình, đều có thể phơi bày chứng cứ lên mạng.
Đảng Cộng sản hiện nay và Đảng Cộng sản thời trước 1986 chẳng khác nhau về mặt chính trị, chỉ khác về mô hình kinh tế. Bản chất của Đảng vẫn thế. Cũng cơ chế đó đã đúc nên những con người Cộng sản để cai trị xã hội, nên những điểm yếu cố hữu như: duy ý chí, kém tầm nhìn, thiếu khả năng quản lý và đặc biệt là tham lam vô độ v.v… Với những đặc điểm này thì không thể nào cải thiện được tình trạng tham nhũng, tắc trách trong bộ máy.
Ông Nguyễn Phú Trọng, trong vai trò là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự Đại hội 13, chính ông đã thông qua những nhân sự như: Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc v.v… Thế nhưng, sau nửa nhiệm kỳ, những con người được ông Trọng và Đảng của ông “sáng suốt” chọn lựa, đã hiện nguyên hình là những kẻ vô trách nhiệm, ăn bẩn, gây hại cho người dân và cho xã hội.
Thực ra, cái sai của Đảng Cộng sản là cái sai về thể chế. Bên trong thể chế chính trị độc đảng, độc tài, do Đảng Cộng sản dựng nên, có đầy lỗ hổng. Chính thể chế này đã sản sinh ra những con người vừa ngu dốt, vừa tham lam ích kỷ, dù ông Trọng có chọn ai đi nữa, thì kết quả cũng giống nhau.
Toàn Đảng, ai cũng chỉ lo kiếm chác. Khi có cơ hội, thì bất kỳ quan chức nào cũng tranh thủ nhét đầy túi tham, chẳng có ai trong sạch cả. Chỉ cần nhìn vào tài sản nổi của quan chức, như nhà cửa, ô tô… thì cũng thấy, hầu hết có được đều do bòn rút.
Đánh tham nhũng chỉ là diệt phần ngọn, cái gốc là thể chế chính trị thì vẫn còn đó. Bên trong thể chế này là những cơ chế lỏng lẻo, tạo điều kiện cho quan tham rút rỉa, rồi che đậy. Như vậy, làm sao diệt được tham nhũng? Đó là lý do vì sao, ông Trọng càng chống thì tham nhũng càng bùng.
Ông Trọng chống tham nhũng như cắt tỉa hàng rào, cắt xong thì chồi non lại mọc lên, và thậm chí còn tươi tốt hơn trước. Tuy nhiên, ông vẫn tin là chiến dịch chống tham nhũng của ông hiệu quả, ai dám nói tới cái sai thể chế, thì ông sẽ cho Tô Lâm xử lý.
Nay ông Trọng đã 79 tuổi, ông cầm quyền chẳng còn được bao lâu nữa. Chắc chắn rằng, ông có chống tham nhũng đến hết đời, thì tham nhũng vẫn tồn tại. Sẽ không thể trong sạch với một thể chế chính trị như hiện nay. Việc chống tham nhũng của ông Trọng, cuối cùng cũng chỉ mang lại danh tiếng cho ông mà thôi, dân vẫn không được gì cả. Vụ chuyến bay giải cứu là ví dụ, người bị hại không được hoàn tiền, chỉ có quan chức tham gia đường dây chạy án thì kiếm chác bộn tiền, từ những kẻ đã cướp của dân.
Ý Nhi – Thoibao.de