Theo truyền thông quốc tế, Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Mới đây, ngày 10/10, nhân kỷ niệm 10 năm sáng kiến “Vành đai – Con đường” (BRI), Chính phủ Trung Quốc cho công bố Sách Trắng về sáng kiến này. Dữ liệu được nêu ra cho thấy, đến nay có hơn 150 nước và hơn 30 tổ chức quốc tế đã tham gia BRI.
Việt Nam là nước duy nhất trong số các quốc gia trên đất liền ở Đông Nam Á vẫn chưa tham gia “cộng đồng chung vận mệnh của Trung Quốc”, so với Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan, là những nước đã gia nhập trong những năm vừa qua.
Được biết, một trong số các yêu cầu từ phía Bắc Kinh, trong chuyến thăm của họ Tập đến Hà Nội tới đây, là Việt Nam phải khẳng định dứt khoát lập trường, đồng thời cụm từ “cộng đồng có chung vận mệnh” phải được ghi rõ vào Tuyên bố chung giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề thứ hai, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam phải tái khẳng định việc tham gia vào đại chiến lược “Vành đai Con đường” của Trung Quốc.
Trong bản Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ 30/10 tới 1/11/2022, có đề cập tới vấn đề, Trung Quốc sẽ cho Việt Nam vay khoản tín dụng từ 10 – 11 tỷ USD, để xúc tiến Dự án Đường sắt cao tốc khổ 1435mm Hà Khẩu – Hải phòng.
Cụ thể:
“Hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, triển khai hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.”
Báo Tiền Phong ngày 23/11/2019 đã từng đặt thẳng vấn đề, “Đường sắt 100.000 tỷ đồng liên vận Hải Phòng – Trung Quốc tốt cho ai?” [100.000 tỷ trên là chưa kể đến chi phí giải phóng mặt bằng]. Đây là tuyến đường sắt xuất phát từ Hà Khẩu (Trung Quốc), tới cảng Lạch Huyện, Hải Phòng của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, xây tuyến dựng tuyến đường sắt này có tác dụng gì với Việt Nam?
Dự án đường sắt này chắc chắn phục vụ cho vận chuyển hàng hóa là chủ yếu. Còn nếu để vận tải hành khách ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam, chắc chắn là không hiệu quả.
Việc xây dựng tuyến đường sắt này, mục đích thực chất là, Trung Quốc muốn chở hàng hóa từ Vân Nam, Tứ Xuyên, miền tây của Trung Quốc, ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu ra thế giới.
Như vậy, tuyến đường sắt chuyên chở hàng hóa từ Côn Minh, Tứ Xuyên, miền tây Trung Quốc, rẽ qua ngã Hải Phòng, chắc chắn gần hơn và tiết kiệm chi phí hơn so với việc đưa hàng hóa đó về các cảng miền đông của Trung Quốc. Từ đó sẽ tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc.
Cho nên, chắc chắn, xây tuyến đường sắt này hoàn toàn phục vụ cho việc xuất khẩu hàng của Trung Quốc. Có nghĩa là, Việt Nam vay tiền của Trung Quốc, để phục vụ chở hàng hóa xuất khẩu cho Trung Quốc!
Điều đó cho thấy, “Cùng chung vận mệnh với Trung Quốc”, nghĩa là, Ban lãnh đạo Bắc Kinh lừa Việt Nam, cho vay vốn tới 11 tỷ USD, để rồi chỉ phục vụ cho việc xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc thôi sao? Sao lại có kiểu hợp tác mang tính lừa đảo kỳ lạ như vậy?
Một khi không trả được nợ, thì có lẽ, Việt Nam sẽ phải gán cảng Hải Phòng cho Trung Quốc. Đó chính là lý do, vì sao Dự án này là một thứ vòng kim cô, một bẫy nợ của Trung Quốc mang sang Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới của Tập Cận Bình?
Nhưng dư luận lo ngại rằng, những lãnh đạo Việt Nam trước đây như Trần Đại Quang, và mới đây là Lê Văn Thành, Nguyễn Chí Vịnh, đã phải trả giá do việc “quay xe”. Do không chịu thực thi các thỏa thuận, hay từ chối cái “vòng kim cô” do Trung Quốc đặt ra, và họ đã phải trả giá.
Liệu tương lai của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ ra sao, nếu ông Trọng dám lật kèo “cộng đồng có chung vận mệnh” và sáng kiến “Vành đai Con đường” giữa Việt Nam và Trung Quốc?./.
Trà My – Thoibao.de