Năm 1999, ông Huỳnh Văn Nén bị các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận kết án chung thân, vì cơ quan điều tra cho rằng, ông Nén phạm tội giết người. Đến tháng 10/2015, khi hung thủ thực sự ra đầu thú, ông Nén chính thức được minh oan sau hơn 17 năm bị giam. Đến tháng 5/2017, ông Nén được Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận bồi thường oan sai hơn 10 tỷ đồng.
Ở Bắc Giang nổi tiếng có vụ án oan Hàn Đức Long. Trong vụ án này, ông Hàn Đức Long đã bốn lần bị tòa án cấp sơ thẩm (2 lần) và cấp phúc thẩm (2 lần) tuyên án tử hình, mặc dù, tại các phiên tòa này, ông Long đều kêu oan. Năm 2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã xét xử Giám đốc thẩm lần hai đối với vụ án này, và tuyên hủy cả bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai, yêu cầu điều tra lại để làm rõ 6 vấn đề còn mâu thuẫn của vụ án. Sau đó, do Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang không làm rõ được các vấn đề này, nên không đủ căn cứ để buộc tội. Vì vậy, đến ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Long.
Đấy là hai vụ án oan hiếm hoi được minh oan. Ông Huỳnh Văn Nén thì may mắn vì hung thủ ra đầu thú, nên mới lòi bộ mặt làm án giả của cơ quan tố tụng. Còn vụ án ông Hàn Đức Long thì do nỗ lực của gia đình và luật sư bào chữa, lật mặt được trò làm án gian lận, nên được minh oan.
Vụ án ông Hàn Đức Long là một thắng lợi của những luật sư bào chữa và gia đình bị cáo, đồng thời là bước tiến trong quy trình tố tụng. Tuy nhiên, với chính quyền Cộng sản, họ không xem đấy là bước tiến bộ của ngành tòa án, mà họ xem là rủi ro của quan chức trong các cơ quan tố tụng. Nếu chính quyền để cho công lý được thực thi như vụ Hàn Đức Long, thì có nguy cơ, hàng loạt vụ án oan sẽ bị khui ra. Theo cách này thì bộ mặt chế độ sẽ lộ ra rất nhem nhuốc.
Ngày nay, dường như không còn một tử tù oan nào được minh oan theo cách của ông Hàn Đức Long được nữa. Vụ án Hồ Duy Hải với vật chứng được mua ngoài chợ, nhưng cả bộ máy nhà nước tham gia quy trình tố tụng vẫn chấp nhận nó, và quyết kết án tử cho Hồ Duy Hải. Vụ án Nguyễn Văn Chưởng cũng tương tự, chính quyền cũng quyết không điều tra lại, dù cho dư luận xã hội, mà trong đó, có các luật sư tên tuổi, phân tích, chỉ ra cái sai trong quy trình tố tụng. Cả Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng đều đang là tử tù chờ thi hành án, chứ không được minh oan. Hai người này không được may mắn như ông Hàn Đức Long.
Mới đây, chính quyền Cộng sản thi hành án tử hình đối với tử tù Lê Văn Mạnh. Mạnh được gia đình và cộng đồng mạng kêu gọi hoãn thi hành án tử, bởi trong quy trình tố tụng thể hiện rất nhiều vấn đề. Hồ sơ điều tra sơ sài, căn cứ lời khai từ một phía vv… Tuy nhiên, lần này, dù xã hội có kêu gọi nhưng cũng không thành công. Lần này, chính quyền Cộng sản quyết đè bẹp ý dân. Họ cho dân biết rằng, “công lý là tao, tao là công lý”. Họ bất chấp việc hồ sơ điều tra còn có rất nhiều vấn đề không rõ ràng, mà hành quyết tử tù đang kêu oan.
Vụ hành quyết Lê Văn Mạnh cho thấy, công lý đã thua và chính quyền Cộng sản đã thắng. Chính quyền quyết bảo vệ cái sai tới cùng, cho nên, đây là dấu hiệu rất xấu cho Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Sau vụ Hàn Đức Long, chính quyền Cộng sản đã quyết chà đạp lên công lý một cách trắng trợn.
Với vai trò là Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng đã không ân xá cho 3 tử tù oan Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và Lê Văn Mạnh. Với vai trò là Trưởng ban Cải cách Tư pháp, ông Võ Văn Thưởng đã đồng tình với nền tư pháp man rợ này. Vậy thì, hy vọng gì ở ông Chủ tịch nước, hy vọng gì ở nền tư pháp này? Dù thế giới ngày nay đã rất văn minh, nhưng chất man rợ vẫn còn nguyên trong Đảng Cộng sản.
Ý Nhi – Thoibao.de