Bất cứ mặt hàng nào mà sản xuất quá nhiều, thì sẽ vừa kém chất lượng, vừa mất giá. Còn nhớ khoảng 20 năm trước, xe máy Trung Quốc tràn ngập, số lượng áp đảo xe Nhật. Tuy nhiên, việc làm ra quá nhiều sản phẩm thì chất lượng kém và giá cũng thấp. Hay hàng ô tô cũng vậy, xe được sản xuất giới hạn thì giá cao, còn sản xuất đại trà thì giá mềm.
Hoa hậu cũng thế thôi. Mỗi năm, ở Việt Nam, nếu chỉ dừng lại một vài cuộc thi hoa hậu, thì danh hiệu hoa hậu mới có giá trị. Vì để có danh hiệu, nàng hậu phải vượt qua rất nhiều thí sinh, cả về nhan sắc lẫn trí tuệ, để giành lấy vương miện. Còn mỗi năm có đến 30 cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, thì danh hiệu hoa hậu cũng chẳng mấy giá trị nữa. Cái gì nhiều quá thì chất lượng giảm, đó là điều hiển nhiên.
Trước đây, thi hoa hậu là cuộc thi tìm kiếm người đẹp, cả về hình thể, trí tuệ, lẫn nhân phẩm, thì nay, họ chỉ chăm chăm tìm kiếm danh hiệu. Do đó, nhiều cuộc thi đã bị biến tướng. Tình trạng mua bán giải tràn, thậm chí, nhiều trường hợp đã bị đưa lên mặt báo. Khi người đẹp bị tiền chọn, chứ không phải người chọn, thì cái đẹp cũng bị méo mó đi nhiều. Cho nên, những người đẹp gần đây, cứ hễ lên báo thì lại bị “vạ miệng”. Vạ miệng bởi các nàng là những người thiếu trí tuệ, không biết điều gì nên nói, điều gì không nên. Có nàng hậu đẹp hình thể nhưng khiếm khuyết trí tuệ, thậm chí, có nàng còn khiếm khuyết cả 2. Chính vì các nàng hậu khiếm khuyết tràn lan, nên giá trị của các nàng cũng vì thế mà lao dốc.
Thực ra, người đẹp toàn diện không phải chỉ có hình thể và trí tuệ, mà còn phải có cả nhân cách. Tuy nhiên, ngày nay, để có nàng hậu song toàn về hình thể và trí tuệ, cũng đã cực hiếm, thì nói gì đẹp toàn diện ở cả 3 tiêu chuẩn? Nếu là người có nhân cách, không bao giờ “bán rẻ” bản thân mình, bằng cách hành nghề bán hoa hay đi lừa đảo.
Ngày 15/9, Công an TP HCM đã phá đường dây hoa hậu bán dâm, mỗi lần bán dâm đến 200 triệu đồng. Tuy giá bán dâm cao thật, cao gấp hàng trăm lần so với gái không có danh hiệu, tuy nhiên, những nàng hậu đấy lại là những nàng hậu mất giá. Những người này đã định vị giá trị của mình chỉ ngang bằng với gái bán hoa mà thôi. Nếu không có tình trạng loạn hoa hậu, thì khó mà có chuyện, nàng hậu lại đi làm gái như vậy.
Ngày 20/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng (PC01) cho biết, họ đã khởi tố, bắt tạm giam một Hoa hậu Quý bà, 37 tuổi, sống ở ở phường 9, thành phố Đà Lạt, về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bà Hoa hậu này đang làm chủ loạt cơ sở spa Mộc Hoa. Được biết, bà này hoa hậu thiện nguyện trong cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng năm 2022. Một danh xưng hoa hậu nghe lạ hoắc.
Tại cuộc thi hoa hậu kể trên, bà này được đánh giá là thí sinh nổi bật, với những dự án vì cộng đồng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Bà giữ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Mộc Hoa (spa Mộc Hoa), với hàng loạt cơ sở spa Mộc Hoa, tại Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt… Tuy nhiên, đằng sau việc làm từ thiện lại là hành vi lừa đảo.
Những gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Nhưng những gì dù đã mua được bằng rất nhiều tiền, thì nó cũng sẽ rớt giá, khi nguồn cung ra thị trường dồi dào. Không phải tất cả các nàng hậu đều không tử tế, tuy nhiên, sự tử tế trong các nàng hậu thời nay cũng đã hiếm đi rất nhiều.
Xã hội Việt Nam như thế nào thì trong giới showbiz cũng như thế, nó đặc biệt đúng trong các cuộc thi hoa hậu. Sống dưới chế độ này, con người trọng vật chất, coi tiền lớn hơn giá trị con người, nên giá trị con người ngày một rẻ rúng. Và những nàng hậu cũng thế.
Ý Nhi – Thoibao.de