Ngày 13/9, trong phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nói rằng: Tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ diễn biến rất phức tạp. Những vụ án này quy mô rất lớn, tài sản rất lớn, trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thừa nhận, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… Đặc biệt, tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng.
Từ sau khi mang chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” của ông Tập về áp dụng trong Đảng, làm nên thương hiệu riêng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì đến nay, đã qua 2 nhiệm kỳ, ông Trọng đốt càng ngày càng nhiều. Cho đến nay, tham nhũng tiêu cực vẫn “còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp”, như thừa nhận của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, thì có khác nào, chiến dịch đốt lò của ông Tổng đang thất bại?
Chiến dịch đốt lò hay chiến dịch chống tham nhũng, mục đích cuối cùng là phải làm cho bộ máy chính quyền sạch hơn, chứ không phải để tạo nên thành tích cho ông Tổng Bí thư. Tuy nhiên, chiến dịch đốt lò này, đến nay vẫn chỉ mang lại thành tích cho ông Tổng, chứ hoàn toàn không trong sạch được bộ máy chính quyền.
Ông tổ của Cộng sản – Karl Marx – đã từng nói: “Lợi nhuận là 100%, thì người đầu tư hăng máu, nếu lợi nhuận là 200% người đầu tư không còn biết sợ là gì, nếu lợi nhuận 300% dù có bị treo cổ cũng sẵn sàng làm việc đó”.
Như vậy, việc chỉ cần dùng quyền lực một cách bất chính, thì quan chức có thể có được biệt phủ, có xe sang, có tiền cho con cái du học, thì lợi nhuận là bao nhiêu phần trăm? Chắc là phải hơn mức 300% như ông Marx đã nói.
Vì lợi nhuận lớn như thế, nên dù nhiều đồng chí bị thuốc chết, cũng chẳng khiến quan chức chùn bước. Họ tiếp tục bám ghế và trục lợi cho bản thân. Người Cộng sản có lòng tham không đáy, cộng với thể chế chính trị thiếu minh bạch, thì với quyền bính trong tay, chẳng có quan chức nào chịu trong sạch cả. Cho nên, có thể kết luận, chiến dịch đốt lò của ông Trọng thất bại thảm hại. Thất bại ở khía cạnh làm trong sạch bộ máy chính quyền.
Trên chính trường, ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy, ông là một “Đông Phương bất bại”, ông mà xuất chiêu thì đối thủ chỉ có gục, cùng lắm là chống đỡ chứ chẳng ai đủ sức để phản đòn. Tuy nhiên, trên mặt trận chống tham nhũng, thì xem như ông đã thất bại.
Thể chế chính trị này tạo điều kiện cho con người tham lam. Bởi nó thiếu minh bạch, nó tạo cơ hội cho những kẻ bất tài leo cao, thì chuyện chống tham nhũng bằng chiến dịch thanh trừng như ông Tổng Bí thư, sẽ chẳng mang lại kết quả gì. Thực tế đã chứng minh, chỉ có nhà nước pháp quyền thực sự, có tam quyền phân lập, có dân chủ, coi trọng quyền con người, thì tham nhũng mới giảm. Cứ xem danh sách các quốc quốc gia có chỉ số tham nhũng thấp, có quốc gia độc tài nào đâu?
Ông Nguyễn Phú Trọng nay đã 79 tuổi, sức khỏe không còn nhiều, được xem như là người gần đất xa trời. Nhưng ông vẫn cố chấp, không thừa nhận, muốn chống tham nhũng là phải dân chủ hóa, phải thay đổi thể chế chính trị. Ông cho Bộ máy Tuyên giáo khổng lồ của chế độ đè bẹp các ý kiến trái chiều. Mục đích là để bảo vệ Đảng Cộng sản.
Còn Cộng sản thì dân còn khổ, còn Cộng sản thì tham nhũng sẽ ngày một kinh khủng. Sẽ không có cách nào để có bộ máy nhà nước trong sạch, ngoại trừ việc 100 triệu dân giải quyết được Đảng Cộng sản.
Ý Nhi – Thoibao.de