Link Youtube: https://youtu.be/LPOqIT2uEH0
Ngày 11/9, RFA Tiếng Việt có bài bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Tống thống Biden, với tựa đề “Vì sao không phải Chủ tịch nước mà là Tổng Bí thư chủ trì lễ đón Tổng thống Mỹ?”
RFA đề cập đến việc, mặc dù là một chuyến thăm cấp nhà nước, nhưng người chủ trì tiếp đón Tổng thống Mỹ lại không phải là Chủ tịch nước mà là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
RFA nhận xét, ông Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn là một đảng chính trị, do vậy, trên danh nghĩa, ông Trọng không có tư cách nguyên thủ quốc gia.
Trên thực tế, xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy, Đảng – chứ không phải Nhà nước – mới là bên chủ trì chuyến thăm của Tống thống Hoa Kỳ tới Việt Nam.
RFA liệt kê các sự kiện:
- Tháng 3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm cấp cao với Tổng thống Joe Biden, ông đã mời Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam.
- Tháng 7, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã tới Hoa Kỳ. Đây là chuyến đi chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam. Ông Trung cũng xuất hiện sân bay Nội Bài hôm 10/9 để đón Tổng thống Mỹ.
RFA dẫn ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc các quan chức của Đảng tham gia trực tiếp và đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Việt Nam, là dấu hiệu cho thấy sự kiểm soát “tuyệt đối” của Đảng đối với nền chính trị Việt Nam.
RFA dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, học giả khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nhận định:
“Thực tế mà nói thì từ năm 2016, và đặc biệt là từ năm 2021 trở lại đây, thì rõ rang, vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị là quá mạnh. Chúng ta nhìn vào thực tế trong Bộ chính trị thì thấy, việc phân quyền theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể không còn rõ ràng như trước nữa. Mà trên thực tế là vai trò lãnh đạo và vai trò hạt nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá rất là cao. Và gần như là có vai trò tuyệt đối trong hệ thống.”
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và là người quan sát chính trị Việt Nam lâu năm, được RFA dẫn lời, nói:
“Có thể hỏi rằng, liệu đây có phải là nỗ lực để lại di sản của ông Nguyễn Phú Trọng? Thông qua sự kiện này, ông ấy có thể tuyên bố rằng, tôi không những đã tiêu diệt tham nhũng, mà còn bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bởi vì, dù sao thì công chúng ở Việt Nam vẫn ủng hộ việc xích lại với Hoa Kỳ.”
Về việc Tổng thống Hoa Kỳ đứng ngang hàng với Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, cho rằng:
“Việc ông Biden đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thì nó có hàm ý là Mỹ tôn trọng hoàn toàn thế chế chính trị của Việt Nam, và muốn hợp tác dựa trên mối quan hệ đấy, dựa trên niềm tin đấy giữa hai thể chế chính trị với nhau.
Thứ hai là nó cũng cho thấy Mỹ nhìn nhận ra vài trò cốt cán của Đảng Cộng sản trong việc đưa ra tất cả các quyết định chính sách, từ chính sách ngoại giao cho tới chính sách kinh tế.
Tất nhiên đối với Việt Nam thì đây là một chiến thắng rất lớn về mặt chính trị vì nó cho thấy nước Mỹ thừa nhận hoàn toàn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nhà nước Việt Nam. Và họ không có vấn đề gì khi thừa nhận điều đó. Với Hà Nội thì đây là chiến thắng chính trị rất lớn.”
Theo RFA, trước đây, rào cản lớn nhất đối với Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn được cho là nằm ở vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, lần này, nhân quyền không còn là ưu tiên trong thứ tự các vấn đề bang giao giữa hai quốc gia nữa. Trên thực tế, trong bản tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước, thì nhân quyền được đề cập áp chót, và một cách chung chung.
Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng:
“Ông Trọng có thể nói với bất cứ ai trong hệ thống mà vẫn còn đang lo ngại và có thiên hướng tìm kiếm sự ủng hộ của Trung Quốc, để đối phó với áp lực thay đổi chế độ Xã hội Chủ nghĩa, rằng, từ nay có thể yên tâm. Hai nước đã giải quyết xong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam trở nên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.”
Nói thêm về việc Tổng Bí thư chủ trì lễ đón cũng như tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ ngoại giảo, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang cho hay:
“Việc tuyên bố này không phải là một hiệp ước, nó chỉ là một tuyên bố, nên tính ràng buộc không cao. Cho nên, kể cả việc ông Tổng Bí thư, tức là người thực chất là lãnh đạo Việt Nam, bắt tay với Tổng thống Mỹ, người thực chất là lãnh đạo của Mỹ, thì về mặt nguyên tắc không có vấn đề gì cả. Hai bên ngầm hiểu với nhau, ai là người nắm quyền lực thực tế của cả hai nước, và họ bắt tay với nhau là vì điều đó.”
Ý Nhi – thoibao.de
>>>Muốn gặp Mỹ phải “lụy” Tàu. Tổng đạp đầu dân, cúi đầu trước “bạn vàng”?
>>>Đại án Việt Á: Chạy tội cho quan tham, Trung tướng Tô Ân Xô “vụng chèo khéo chống”?
>>>Những căn bệnh nguy hiểm của quan chức Cộng sản
>>>“Phải thay đổi để chúng ta có quyền hy vọng trời mỗi ngày lại sáng!”
Lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng trên bục danh dự