Nạn trấn lột trong nhà trường vẫn gia tăng

Link Youtube: https://youtu.be/Ui8TVsETfD0

Ngày 11/9, báo Tiếng Dân có bài “Phải dẹp ngay nạn trấn lột trong nhà trường!” của tác giả Thái Hạo.

Tác giả cho biết, từ các số liệu trên trang của Cục thống kê, Việt Nam có diện tích đất lúa khoảng 2.952,5 nghìn ha, năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tổng số hộ nông thôn là 17.308 nghìn. Tác giả tính ra: mỗi hộ thu hoạch được khoảng 11,6 tạ lúa/vụ (1 tấn 1 tạ 60kg). Với giá lúa khoảng 7k/kg, thu nhập từ lúa của một hộ nông dân Việt Nam là khoảng 8 triệu đồng/vụ, mỗi năm 2 vụ thành 16 triệu đồng.

 

Sớ thu tiền của trường Thanh Miện 3 – Hải Dương

 

Tác giả nhận xét, nhìn vào cái sớ thu tiền đầu năm với những khoản thu vô lý trắng trợn của trường Trung học Phổ thông Thanh Miện 3, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thấy mỗi học sinh phải nộp số tiền là 8.715.000 (tám triệu bảy trăm mười lăm nghìn đồng).

Sớ thu tiền này được Facebooker Phạm Văn Tuyên đăng tải ngày 10/9, liệt kê 21 khoản thu, với những khoản thu vô lý như: quỹ học bổng + chữ thập đỏ; phí ghế ngồi; phí khảo sát…

Ngày 11/9, Facebooker Phạm Văn Tuyên thông báo, trường Trung học Phổ thông Thanh Miện đã cử đại diện đến gặp và giải trình tại nhà ông Tuyên. Đồng thời đại diện nhà trường đã nhìn nhận vấn đề, không né tránh và xin rút kinh nghiệm.

Sau khi tiếp thu phản ánh của phụ huynh học sinh, trường Thanh Miện 3 – Hải Dương đã điều chỉnh các khoản thu thấp hơn, hợp lý hơn ban đầu. Đồng thời, nhà trường cũng phân chia rõ các khoản thu bắt buộc (như bảo hiểm y tế, tiền gửi xe, học phí…) và các khoản thu theo thỏa thuận (như ghế ngồi, nước uống, vệ sinh, học thêm, sổ liên lạc…).

Tác giả Thái Hạo phân tích, với số tiền mỗi học sinh phải nộp là 8.715.000 , thì có bán hết số lúa thu hoạch được trong một vụ của cả một hộ gia đình nông thôn Việt Nam, vẫn chưa đủ để đóng tiền cho một đứa con đi học ở trường Thanh Miện 3! Nếu gia đình có 2 đứa con đi học, thì phải đi vay thêm chừng ấy tiền nữa, con mới được đến trường. 3, 4 đứa thì phải treo niêu chờ chết.

Cũng tức là vét đến hạt lúa cuối cùng của người nông dân, và còn đẩy họ vào cảnh nợ nần, chạy ăn đứt hơi, không chừa cho họ một hạt gạo nào để nấu cháo qua ngày.

Tác giả mỉa mai đặt câu hỏi: “Giáo dục là quốc sách”, nhưng đầu tư và quản lý thế nào mà ra nông nổi các nhà trường “thu như cướp” thế này?

Nông dân ăn đất để sống ư? Thực dân Pháp và phát xít Nhật có lẽ cũng không ác đến thế. Lại nhớ bản Tuyên Ngôn độc lập của Hồ Chí Minh: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”…

Tác giả nêu quan điểm, đưa ra chính sách “Xã hội hóa” nhưng không quản lý được, hoặc cố tình thả nổi, đã để cho các nhà trường đua nhau bóp cổ người dân đến nghẹt thở tắt hơi như thế này là vô cảm, độc ác, coi khinh sự sống còn của người dân.

Tác giả đề nghị Bộ Giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước ban hành ngay những quy định, cấm các nhà trường thu bất cứ khoản gì, trừ bảo hiểm y tế và học phí (dù khoản thu này cũng chưa phải đã hợp lý đúng đắn).

Tác giả nhấn mạnh, không thể tiếp tục để nạn trấn lột này hoành hành công khai trong môi trường giáo dục nữa.

Liên quan đến tình trạng lạm thu trong trường học, báo Lao Động ngày 18/8 cho biết, dù Bộ Giáo dục đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng, Bộ này nhìn nhận, hiện nay vẫn còn có tình trạng một số trường chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh học sinh, hoặc huy động tài trợ không đúng quy định.

Báo Lao động đề cập đến trường hợp của Trường Tiểu học Hữu Hoà (Thanh Trì, Hà Nội) về việc “phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp”, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.

 

Quang Minh – thoibao.de

 

>>>Muốn gặp Mỹ phải “lụy” Tàu. Tổng đạp đầu dân, cúi đầu trước “bạn vàng”?

>>>Đại án Việt Á: Chạy tội cho quan tham, Trung tướng Tô Ân Xô “vụng chèo khéo chống”?

>>>Những căn bệnh nguy hiểm của quan chức Cộng sản

>>>“Phải thay đổi để chúng ta có quyền hy vọng trời mỗi ngày lại sáng!”

Lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng trên bục danh dự