Chuyện VinFast thuê công ty Trung Quốc thiết kế xe, rồi tung tin là sản phẩm được thiết kế tại Âu châu, đã nổi lên trên mạng từ tháng trước, ngay trước ngày VinFast lên sàn tại thị trường chứng khoán Nasdaq. Sau khi sự việc bị bại lộ, trang Web của VinFast đã xóa thông tin về việc sản phẩm của họ được thiết kế bởi công ty châu Âu.
Khi sự thật được đưa ra ánh sáng, có người đặt câu hỏi rằng, VinFast đã trả cho Công ty của Trung Quốc giá bao nhiêu, để công ty này thiết kế cho VinFast sản phẩm theo dạng chìa khóa trao tay.? Ắt hẳn phải là con số hời thì VinFast mới bỏ nhà thiết kế châu Âu, để thuê nhà thiết kế Trung Quốc.
Mới đây, trên mạng xã hội reddit có tranh luận về chủ đề “VinFast đã trả cho Longchuang bao nhiêu tiền cho dịch vụ của họ?” Câu trả lời là 133,396 triệu Nhân dân tệ, tương 18,37 triệu USD, là khoản tiền mà VinFast đã trả cho một công ty của Trung Quốc, có tên là LongChuang, để họ thiết kế ra mẫu xe VF e34 và VF5.
Đây là số tiền được cho là “rẻ mạt”, nên khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng của sản phẩm này. “Tiền nào của đó” là quy luật muôn đời. Giá rẻ thì không thể nào có được sản phẩm chất lượng. Tuy chi phí thiết kế thấp, nhưng VinFast là khách hàng lớn nhất của Longchuang, chiếm 17% của hãng. Họ có tài liệu để chứng minh điều này.
Chuyện một công ty đặt một doanh nghiệp khác làm những sản phẩm phụ trợ cho mình là chuyện không mới. Các hãng ô tô, các hãng máy bay vv… đều đặt hàng các nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, hãng sản xuất phải nắm công nghệ lõi, để làm ra sản phẩm. Các doanh nghiệp khác chỉ cung cấp những phụ kiện, linh kiện, được thực hiện theo các tiêu chuẩn của hãng.
Để có được công nghệ lõi, thì bản thân doanh nghiệp phải đầu tư mảng nghiên cứu và phát triển tức R&D. Để có được sản phẩm đặc trưng của hãng, thì hãng không thể đi đặt hàng doanh nghiệp khác làm công việc nghiên cứu và phát triển. Bởi một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, phải là doanh nghiệp có chất xám thật, không phải là chất xám kiểu bánh vẽ. Không có tiềm lực chất xám thì trước sau gì doanh nghiệp cũng lụi tàn mà thôi.
Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí nghiên cứu và phát triển R&D/GDP của Việt Nam là 0,53%, trong khi đó, mức trung bình của thế giới là 2,63%. Nghĩa là, chi phí nghiên cứu và phát triển của Việt Nam kém rất xa mức trung bình của thế giới. Các doanh nghiệp có chi phí R&D thường là những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp phát triển bền vững. VinFast là doanh nghiệp lớn của Việt Nam mà không bỏ ra đồng nào cho R&D, mà phải đi mua R&D của nước ngoài, thì có thể nói, tỷ lệ 0,53% R&D/GDP của Việt Nam là con số ảo.
Ông Phạm Nhật Vượng xây dựng VinFast, rồi đưa nó lên sàn chứng khoán Nasdaq, với hy vọng VinFast sẽ là một con kỳ lân công nghệ, như bao kỳ lân đã thành công trên trường quốc tế. Tuy nhiên, không một kỳ lân nào thành công mà bỏ qua mảng nghiên cứu và phát triển, hoặc là xem nhẹ nó. Nếu VinFast không thay đổi từ lượng (chỉ ồn ào trên báo chí nhà nước) sang chất, thì VinFast cũng chỉ là con kỳ lân giấy mà thôi. Chỉ cần một mồi lửa thì kỳ lân giấy sẽ cháy như vàng mã đốt cho người đã khuất mà thôi.
Giá trị cốt lõi của mọi công ty là “chất xám”. Cho dù là những doanh nghiệp vốn hóa ngàn tỷ đô la của Mỹ như Microsoft, Apple, Amazon, thì tài sản quý nhất của họ vẫn là chất xám. Nếu doanh nghiệp nào không chịu thay đổi từ lượng sang chất, mà mơ tưởng đến việc trở thành doanh nghiệp toàn cầu, thì đấy chỉ là mơ mộng hão huyền.
Chất xám phải là thật, không thể dùng tiền để mua sản phẩm chất xám của nơi khác, rồi bảo đó là chất xám của mình. Làm như thế chỉ lừa được khách hàng trong thời gian ngắn, còn về lâu về dài thì doanh nghiệp sẽ không thọ. VinFast sẽ sụm sớm nếu không chịu thay đổi.
Ý Nhi – Thoibao.de