Báo chí Việt Nam sử dụng ngôn ngữ tùy tiện, không có luật lệ nào

Link Youtube: https://youtu.be/DooWqVbre6I

 

Ngày 11/9, báo Tiếng Dân có bài “Trung ương không thiếu người, chỉ không có người rành tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thông.

 

Tác giả nhận xét, hầu hết các báo, đài mậu dịch đều giấy trắng mực đen đưa tin “Tổng thống Hoa Kỳ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam”, “Tổng thống Hoa Kỳ đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam”, “Lễ đón chính thức Tổng thống Joe Biden thăm cấp nhà nước tới Việt Nam”…, đại loại đều lủng củng như vậy.

Những người trình độ tiếng Việt bình thường chứ chưa cần giỏi, nghe/xem cứ tức anh ách. Tức về mặt ngôn ngữ, chứ không phải tức ông Biden. Ông ấy chỉ đáng yêu, chả có chi đáng trách.

Tác giả cho rằng, theo trật tự của câu tiếng Việt, nếu nói “thăm cấp nhà nước” hoặc “chuyến thăm hữu nghị” thì “cấp nhà nước”, “hữu nghị” để chỉ tính chất, bổ nghĩa cho “thăm, chuyến thăm”. Nhưng khi đã có đối tượng cụ thể của động từ “thăm” (làm vị ngữ), thì bổ ngữ phải đứng ngay sau động từ, ví dụ: thăm Việt Nam, còn thăm có tính chất như thế nào sẽ ở vị trí tiếp sau.

Vì vậy, diễn đạt chuẩn phải là: “Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam cấp nhà nước”, “Lễ đón chính thức Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam cấp nhà nước”, chứ không thể lộn tùng phèo, phá tiếng Việt như báo đã dùng.

Cũng như, ta có thể nói: Tôi sang thăm anh với tình cảm láng giềng; hoặc: Với tình láng giềng, tôi tới thăm anh; chứ không thể nói: Tôi thăm với tình láng giềng tới anh (nghe như chọc vào lỗ tai).

Tác giả bình luận, không hiểu những ông bà chức tước cao vòi vọi, những quan này quan kia phẩm trật đầy mình, có trách nhiệm trong sự kiện Biden này, đã nghĩ thế nào mà lại diễn đạt kiểu “chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam”.

Đám báo chí sống nhờ ngôn ngữ, thấy nội dung diễn đạt dở hơi như thế vẫn cứ nhắm mắt nhắm mũi đăng bừa, không dám ho he thắc mắc. Tội nghiệp, đáng thương.

Bao nhiêu cơ quan chuyên ngành, như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, Viện Ngôn ngữ, Khoa Ngôn ngữ; bao nhiêu giáo sư tiến sĩ chuyên về ngôn ngữ; vậy mà không có đơn vị nào, ông bà nào dám hé răng chỉ ra lỗi diễn đạt tréo ngoe, dở hơi ấy.

Tác giả cảm thán, hình như bây giờ cái gì cũng làm người ta sợ. Sợ cả cái sai.

 

Bài trên Tuổi Trẻ từ 2016

 

Thực ra, đã có một số bài phân tích về tình trạng sử dụng ngôn ngữ sai ngữ pháp, sai chính tả tràn lan trên báo chí và cả trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có vẻ không mấy ai quan tâm đến vấn đề này.

Năm 2016, báo Tuổi Trẻ từng có bài “Xin đừng làm biến dạng tiếng Việt”.

Tác giả bài báo này nhận xét, hiện nay, ngôn ngữ tiếng Việt bị sử dụng rất tùy tiện, không chỉ làm mất đi sự trong sáng, cái hay cái đẹp của tiếng mẹ đẻ chúng ta, mà còn đưa người nghe, người đọc tới bế tắc, nhận thức sai vấn đề, hoặc chẳng nhận thức được gì.

Tác giả nêu một số lỗi thường gặp như, các biên tập viên chương trình dự báo thời tiết thông tin “Từ nay đến 15h  chiều…”.

Thực ra, từ “từ nay” được sử dụng khi nói về khoảng thời gian tính bằng đơn vị ngày, tháng, năm, như “từ nay đến tết”, “từ nay đến năm 2020”… và nói “từ giờ này (lúc này, bây giờ) đến 15h chiều”, chứ không thể dùng “từ nay” để chỉ quãng thời gian tính bằng đơn vị giờ trong cùng một ngày.

Tương tự, từ “tuy nhiên” đồng nghĩa với “nhưng”, song, nhiều phóng viên, biên tập viên báo đài cứ “tuy nhiên” liên tục, hết câu này đến câu khác, nghe rất “nghịch tai”!

Tình trạng viết, đọc thiếu chủ ngữ, dẫn đến sai nghĩa cơ bản của câu văn, kiểu như “sau khi gây án giết người, công an huyện đã chuyển hồ sơ lên công an tỉnh” là khá phổ biến trong các bản tin. Lẽ ra phải viết:  “Sau khi tên X gây án giết người, công an huyện đã…” thì mới đúng cấu trúc câu.

Tác giả bài báo cho rằng, thực trạng sử dụng tiếng Việt có nhiều sai sót, tùy tiện trong lĩnh vực truyền thông quả thực rất đáng lo ngại. Không thể chấp nhận tình trạng nhà báo viết sai chính tả tràn lan, sử dụng dấu chấm, dấu phẩy lung tung, mà nhiều người nói hài hước rằng “mỏi đâu thì nghỉ đấy, chả có luật lệ nào cả!”.

 

Minh Vũ – thoibao.de

 

 

>>>Muốn gặp Mỹ phải “lụy” Tàu. Tổng đạp đầu dân, cúi đầu trước “bạn vàng”?

>>>Đại án Việt Á: Chạy tội cho quan tham, Trung tướng Tô Ân Xô “vụng chèo khéo chống”?

>>>Những căn bệnh nguy hiểm của quan chức Cộng sản

>>>“Phải thay đổi để chúng ta có quyền hy vọng trời mỗi ngày lại sáng!”

Lần đầu tiên một Tổng thống đứng cạnh một Đảng trưởng trên bục danh dự