Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, cần 350.000 tỉ đồng để thực hiện “Chương trình chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt giai đoạn 2025 – 2035”. Điều này đã khiến cho công luận “lặng người”, trước sự coi rẻ tiền bạc của lũ quan “ăn không chừa một thứ gì của dân”, ở Bộ này.
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nội dung của chương trình vừa kể sẽ hướng tới những mục tiêu cụ thể, như:
“Đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, như trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện. Ở cấp huyện và cấp xã, có trung tâm văn hóa thể thao, 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo.
Với mục tiêu để có ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa.”
“Hằng năm, có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật, về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước.
Đầu tư cho văn hóa ít nhất là 2% tổng chi ngân sách hằng năm, thực hiện tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, và các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7% GDP năm.
Về dài hạn, đến năm 2035, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt mục tiêu 100% thư viện đảm bảo điều kiện hoạt động, 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc đơn vị công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.”
“Chương trình cũng đề ra mục tiêu tới năm 2035 có 5 trường đại học trọng điểm và 2 viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, văn hóa ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.”
Trong số 350.000 tỉ đồng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025 – 2035, riêng giai đoạn 2025 – 2030 đầu tư khoảng 182.000 tỉ đồng.
Giới nghiên cứu văn hóa đưa ra nhận xét, cho rằng, với lối liệt kê “tràng giang, đại hải” các mục tiêu chương trình mang tính chung chung của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho thấy, “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035” chỉ là một sự phô diễn hào nhoáng, mà mục tiêu cuối cùng các lãnh đạo của Bộ này hướng tới, chỉ là… khoản “hoa hồng” 20% x 350 nghìn tỷ, tương đương 70 ngàn tỷ đồng để các quan tham chia nhau.
Song, điều người ta lo ngại hơn là, với tư cách, trình độ của ngài Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì cuối cùng, số tiền vốn đầu tư thực hiện Chương trình trên rồi cũng đổ xuống sông, xuống biển.
Hơn nữa, làm sao có thể tin được một Nguyễn Văn Hùng, kẻ mang danh Bộ trưởng Văn Hóa, mà không hề có chút văn hóa nào. Đó là câu chuyện Bộ trưởng Hùng giành thảm đỏ với Thủ tướng Malaysia, là quốc khách của nhà nước Việt nam.
Trước đó, ngày 20/7, nhiều tờ báo Việt Nam đăng những hình ảnh cho thấy, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch, ra sân bay đón khách, nhưng lại “giành” lấy thảm đỏ. Đó là buổi đón ông Anwar Ibrahim, Thủ tướng Malaysia, ở phi trường Nội Bài, Hà Nội.
Những tấm hình vừa kể khiến dân mạng xấu hổ và đã đưa ra các chỉ trích, cho rằng, ông Nguyễn Văn Hùng “là Bộ trưởng Văn Hóa mà vô văn hóa”, khi dám bước ngang hàng và trò chuyện như bạn bè với Thủ tướng Malaysia, và còn lấn chỗ, đẩy ông Anwar Ibrahim phải bước một chân trong, một chân ngoài thảm đỏ.
Câu chuyện này, dường như đã khiến cho các cận vệ của ông Ibrahim bước theo phía sau, tỏ vẻ “bực tức”, khi thấy sự thất thố của Bộ trưởng Văn hóa nước chủ nhà, dành cho quốc khách.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Đỗ Hùng Việt, người cũng có mặt tại buổi đón Thủ tướng Malaysia cho biết, theo nguyên tắc ngoại giao, Bộ trưởng Hùng có vị trí thấp hơn, nên không được phép đi ngang hàng với ông Anwar Ibrahim, mà phải đi đằng sau ít nhất là một bước chân.
Facebooker Ngô Huy Cương, ngán ngẩm bình luận về sự việc này, cho rằng, “Cán bộ ta phần nhiều trưởng thành từ cơ sở đi lên, chưa có hiểu biết nhiều về phép tắc ngoại giao, quen sống bỗ bã để chứng tỏ hòa mình vào quần chúng nên quên việc họ đang tiếp đón quốc khách”. Trong khi đó, một cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, đề nghị dấu danh tính cho biết, ông Nguyễn Văn Hùng trưởng thành từ các bộ Đoàn cấp xã, lên cấp huyện, sang cấp tỉnh, rồi nhảy vào ghế Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị. Do có hậu thuẫn của bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, từ một cán bộ Đoàn xã “tau có biết chi mô”, được giữ chức Bộ trưởng Văn hóa, mà không có hiểu biết tối thiểu về phép tắc ngoại giao, là điều dễ hiểu.
Chương trình chấn hưng và phát triển văn hóa, với đề nghị chi một khoản tiền khổng lồ đến 350 ngàn tỷ, nếu đối chiếu số tiền Ngân sách chi cho giáo dục và y tế, mỗi ngành chỉ khoảng 7.000tỷ/năm, vậy 350.000 tỷ tương ứng với chi cho giáo dục được 50 năm. Tại sao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không xúc tiến một Chương trình chấn chỉnh văn hóa phong bì – tình trạng đang tồn tại ở mọi nơi, mọi chỗ, mọi cấp, và mọi tầng – nơi nào cũng nhan nhản. Mà thực hiện điều đó thì chắc cũng chẳng tốn kém bao nhiêu. Trong khi trường học và các cơ sở y tế đang thiếu trầm trọng, sao nhà nước không dành ngân sách để đầu tư phúc lợi cho nhân dân?
Trà My – Thoibao.de