“Việt Nam càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, bởi đó là căn bệnh kinh niên của thể chế chính trị một đảng cầm quyền”. Đó là nhận định chung mang tính khái quát của giới phân tích trong nước cũng như quốc tế, khi nói về công cuộc chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt nam hiện nay. Điều đó là câu trả lời cho thắc mắc của đa số người dân, “tại sao, Đảng càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng gia tăng, không hề thuyên giảm, mà năm sau còn cao hơn năm trước?”.
Ngày 6/9, báo Tuổi Trẻ đã có bài viết với tiêu đề, “Số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng hơn 312%, cần kiểm soát quyền lực người đứng đầu”. Có lẽ, đó là một cách gián tiếp, báo Tuổi Trẻ đã phải thừa nhận, công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam đã thất bại.
Theo báo Tuổi Trẻ, tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đã trình bày ý kiến thẩm tra của nhóm nghiên cứu về báo cáo của Chính phủ, về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2023 (10/2022 đến 31/7/2023). Cụ thể, số tội phạm tham nhũng tăng 71.46%, số đối tượng tăng 116.17%, còn số vụ nhận hối lộ phát giác tăng 312,5%.
Và trước đó, tại Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 16/8, cũng cho biết: “…trong 2 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay, cơ quan này đã chỉ đạo thu hồi được trên 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội 12), xử lý hình sự 31 cán bộ cấp trung ương, trong đó phần lớn là các tài sản tẩu tán nước ngoài. Đã có 31 cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong số này có sáu bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy và chín sĩ quan cấp tướng thuộc quân đội.
Chỉ riêng, trong sáu tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so với cùng kỳ năm 2022).”
Điều đó thể hiện và khẳng định, hoàn toàn không có chuyện,“công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và nhà nước là không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, như nhà nước Việt Nam tuyên truyền.
Hai mục tiêu cao nhất của công cuộc chống tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào, cũng phải là, làm giảm thiểu tình trạng tham nhũng xuống mức thấp nhất, đồng thời thu hồi tài sản tham nhũng ở mức cao nhất có thể. Trên thực tế hiện nay, rõ ràng, công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào, kể cả việc duy trì cho “tham nhũng ổn định” cũng không thành công.
Gần đây, có những ý kiến nghi ngờ về động cơ chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng. Phải chăng, đó là cách mà người đứng đầu Đảng Cộng sản cố tình “tạo điều kiện để cán bộ tham nhũng dễ dàng”, rồi sau đó tìm cách khởi tố bắt giam, để tịch thu tài sản. Và chính sách tạo ra những kẽ hở của chủ trương “bất nhân” như thế, sẽ liên quan đến việc chạy án tham nhũng. Vấn đề ai chạy và chạy ai để thoát tội cũng là điều dễ hiểu. Mà thực chất, phải hiểu rằng, nó là chính sách “Chống tham nhũng để nuôi tham nhũng”. Có một số câu hỏi cần phải được làm rõ:
Thứ nhất, tại sao những sai phạm trong các vụ án tham nhũng hầu hết là do cán bộ có thẩm quyền lợi dụng lỗ hổng của pháp luật, để tham nhũng diễn ra trong thời gian rất dài, mà không có biện pháp ngăn chặn ngay lập tức?
Thứ hai, vì sao Tổng Bí thư Trọng lại đưa ra chủ trương lạ lùng, “… cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì được “miễn xử hoặc xử nhẹ”; không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt?” Thử hỏi, chủ trương đó của ông Trọng thực chất có phải là để dung túng cho tham nhũng hay không?
Và từ đó, đã dẫn tới những hệ quả rõ ràng. Mới nhất, cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh đã nhận $200,000 từ Phan Quốc Việt, Giám đốc Việt Á. Câu nói “tớ cám ơn” của ông Chu với Phan Quốc Việt, đã trở thành câu nói “nổi tiếng” trên mạng xã hội. Vậy nhưng, tại sao trong kết luận điều tra lại khẳng định không truy tố Chu Ngọc Anh tội danh “nhận hối lộ”? Đó là một ví dụ điển hình của chính sách dung túng cho tham nhũng và chạy án tham nhũng.
Quốc nạn tham nhũng được coi là giặc nội xâm, nhưng trên thực tế, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lại chủ trương coi tham nhũng là một loại dầu bôi trơn không thể thiếu, cho bộ máy tham nhũng vận hành. Tham nhũng lâu nay ai cũng biết, là nguồn cơn, là gốc rễ của sự giàu có của các quan chức lãnh đạo. Vậy mà tại sao cách làm giàu của quan chức mang tính hệ thống trong suốt một thời gian dài vẫn không bị vô hiệu hóa, và áp dụng nghiêm các quy định của pháp luật, để ngăn chặn triệt để.
Việt Nam là một nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, trên nguyên tắc, đã là nhà nước pháp quyền, thì phải sử dụng luật pháp để cai trị. Luật phòng chống tham nhũng quy định cụ thể, rõ ràng, vậy tại sao ông Trọng không chủ trương áp dụng triệt để và nghiêm ngặt, mà lại xem “chống tham nhũng là ta tự đánh ta”. Để rồi, “không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt?”
Phải chăng nó là một chủ trương lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để bảo vệ chính sách “Chống tham nhũng để nuôi tham nhũng”. Bất kể quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay đã trở thành một khối u ác tính, đang di căn ở giai đoạn cuối? Và rõ ràng, việc “cần kiểm soát quyền lực người đứng đầu” đối với Tổng Bí thư, như trong bài viết của báo Tuổi Trẻ, là việc cần thiết và cấp bách./.
Trà My – Thoibao.de