Sau năm 1975, mô hình kinh tế tự do của miền Nam bị chính quyền Cộng sản phá bỏ sạch sành sanh, bằng những chiến dịch đánh tư sản. Cộng thêm đó là chính sách ngăn sông cấm chợ, đã làm cho người Việt Nam trở nên đói rách. Việt Nam vốn được xem là vựa lúa lớn, không những của khu vực, mà còn của thế giới. Tuy nhiên, dưới bàn tay cai trị của Đảng Cộng sản, dân không có gạo mà ăn. Nhiều nơi phải ăn khoai lang, khoai mì và bo bo. Những thứ thực phẩm thường được dùng để nuôi gia súc.
Bàn tay Cộng sản thọc đến đâu thì phá hủy đến đó. Thời kỳ trước “đổi mới” là thời kỳ kinh hoàng đối với người Việt Nam. Chưa bao giờ đất nước điêu tàn đến thế, chưa bao giờ người dân lại khốn khổ đến thế. Trước năm 1975, dù chiến tranh liên miên, nhưng miền Nam không hề thiếu lương thực. Nhưng sau khi rơi vào tay Cộng sản, thì người dân sống thiếu thốn không khác gì con vật. Đấy là những gì mà Đảng Cộng sản đã mang đến cho người dân.
Năm 1986, khi mà mô hình kinh tế cũ đẩy dân đến con đường “không còn gì để mất”, thì Đảng Cộng sản mới mót lại mô hình kinh tế thị trường của thế giới tự do, để áp dụng. Dù chỉ là sửa sai, chỉ áp dụng mô hình kinh tế thị trường một cách nửa vời, nhưng cũng đã đem lại những kết quả khả quan.
Ngày nay, Đảng Cộng sản không phá hủy đời sống người dân bằng mô hình kinh tế xưa cũ nữa, mà họ tàn phá bằng khả năng quản lý tồi tệ của họ. Hiện nay, giá gạo trong nước đang lên từng ngày. Nguyên nhân là do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Đây được xem là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam, tuy nhiên, nó lại ẩn chứa rất nhiều nguy cơ.
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang đua nhau xuất khẩu gạo, “chớp” thời cơ, bất chấp mối nguy họ đem đến cho người dân. Theo báo Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 36,1%. Một con số tăng trưởng quá lớn đẩy Việt Nam vào nguy cơ mất an ninh lương thực.
Như vậy thì, rõ ràng, động thái của Ấn Độ đã khiến cho gạo Việt Nam chảy ra ngoài mạnh hơn. Nếu Ấn Độ không những không xuất, mà bắt đầu nhập khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia đông dân nhất thế giới này, thì điều đồng nghĩa với việc gạo Việt Nam sẽ bị chảy ra nước ngoài mạnh hơn nữa.
Bây giờ, nếu Việt Nam không thận trọng trong cái gọi là “chớp thời cơ”, thì nguy cơ xuất hiện nạn đói là hiện hữu. Dù giá bán có cao bao nhiêu đi chăng nữa, mà để cho dân đói, thì hậu quả sẽ rất kinh khủng. Hẳn người Việt vẫn chưa quên nạn đói năm 1945, hoặc thời kỳ đói khổ trong thập niên 1960 – 1970 ở miền Bắc, và sau 1975 trên cả nước.
Hôm nay, Việt Nam vẫn chưa mất an ninh lương thực, tuy nhiên, giới hạn giữa “chưa” và “đã” là khá mong manh. Nếu cứ giữ quan niệm xem đây là “cơ hội ngàn năm có một”, mà nhắm mắt mở toang cửa, để gạo ào ào chảy ra ngoài, không sớm thì muộn, chuyện đã được cảnh báo cũng sẽ xảy ra.
Việc xuất khẩu gạo có điều tiết sẽ giúp cho người nông dân có thu nhập tốt, và giúp ổn định xã hội. Nhưng nếu để giá gạo lên quá cao, mà người dân nghèo thì lại thất nghiệp, thì chuyện người dân bị đói là khó tránh khỏi.
Như thông tin mới đây từ tờ báo Tuổi Trẻ, công nhân thất nghiệp phải gói ghém sao cho 100 ngàn đồng đủ tiêu trong 1 tuần. Tức là, mỗi ngày họ chỉ có thể tiêu 14 ngàn đồng. Nếu giá gạo lên cao, thì với 14 ngàn đồng làm sao dân có thể mua nổi gạo? Phải đi sâu vào đời sống người dân nghèo mới thấy, người dân Việt Nam đang đối diện với nguy cơ đói ăn như thế nào?!
Đây chỉ mới so sánh việc giá gạo đi lên và mức sống đi xuống của dân lao động. Tuy nhiên, gạo lên thì thường sẽ kéo theo những mặt hàng lương thực, thực phẩm có thể thay thế cho gạo cũng tăng theo. Cho nên, nếu chính quyền Cộng sản không điều tiết tốt lượng gạo xuất khẩu, sao cho đảm bảo an ninh lương thực, thì hậu quả, dân nghèo sẽ gánh đủ. Việc chớp thời cơ ngàn năm có một này, chỉ có doanh nghiệp được lợi, còn dân đen thì lại gánh hậu quả.