Lâu nay ở Việt nam, ông Vũ Đức Đam cựu Phó Thủ tướng, là một hiện tượng đáng chú ý trên chính trường. Đa phần dân chúng có thiện cảm với chính khách trẻ tuổi và có học này.
Được đánh giá là một trong những lãnh đạo Việt Nam thuộc nhóm “Tây học”, được đào tạo bài bản từ phương Tây, nhưng cũng bị hạn chế trong sự thăng tiến. Việc ông là Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa, song vẫn không được quy hoạch vào Bộ Chính trị, nên nhiều người tiếc cho một người tài trong chính trường Việt Nam.
Trước đại dịch Covid-19, ông Vũ Đức Đam vẫn được dư luận Việt Nam đánh giá cao, là một chính khách tuổi còn trẻ, xông xáo và có năng lực.
Trong đại dịch Covid-19, hình ảnh ông Vũ Đức Đam – Trưởng ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 Trung ương – cúi đầu, bước đi trong tâm trạng lo lắng, được nhiều người chia sẻ, ca ngợi. Được biết, hình ảnh này được chú thích là, ông Đam vừa rời cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19, bên lề Đại hội Đảng 13.
Song, cũng có những ý kiến cho rằng, Vũ Đức Đam là người rất giỏi xây dựng hình ảnh trước công chúng. Một thời ở Việt Nam, người ta tin tưởng, và thậm chí tôn vinh Vũ Đức Đam lên hàng “Bồ Tát sống”, là chuyện có thật.
Cho nên, ngày 30/11/ 2022, khi Bộ Công an ra thông báo khởi tố, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Trịnh, Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thì dư luận hết sức bất ngờ.
Đồng thời, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Nguyễn Văn Trịnh, về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Lúc ấy, đã bắt đầu xuất hiện luồng ý kiến của giới thạo tin cho rằng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam không thể vô can. Người ta còn hé lộ sự thật về lý do, vì sao lâu nay những người ủng hộ ông Vũ Đức Đam vẫn hoài nghi việc, ông Đam không được đưa vào quy hoạch nhân sự Bộ Chính trị, hay phương án nhân sự cao hơn cho ghế Tứ trụ.
Mới nhất, trong kết luận điều tra của C03 Bộ Công an xác định, từ sự đề nghị của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, bị can Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng, đã can thiệp, giúp đỡ Việt Á trong quá trình nghiên cứu đề tài kit xét nghiệm, để được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành, tiêu thụ. Theo đó, bị can Trịnh đã can thiệp, chỉ đạo để Bộ Y tế ban hành văn bản, tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Việt Á lập hồ sơ đăng ký.
Sau đó, bị can Trịnh còn chỉ đạo bị can Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, giới thiệu, giúp Việt Á được kiểm định chất lượng kit xét nghiệm, làm căn cứ để lập hồ sơ đăng ký lưu hành gửi Bộ Y tế. Ngoài ra, bị can Nguyễn Văn Trịnh còn chỉ đạo các vụ chức năng của Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ, để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm cho Việt Á.
Nghiêm trọng hơn, C03 Bộ Công an còn xác định, bị can Trịnh đã can thiệp, tác động giúp Việt Á, để được Bộ Y tế cho sử dụng nguồn tiền tài trợ từ các ngân hàng, để thanh toán tiền mua 200.000 kit xét nghiệm với giá 470.000 đồng/kit, trong khi, giá trị thực của 1 kit xét nghiệm chỉ 143.000 đồng.
Vào tháng 8/2020, sau khi Việt Á được các ngân hàng làm thủ tục thanh toán tiền cho đơn hàng 200.000 kit test mà Bộ Y tế mua, để “cảm ơn” sự hậu thuẫn từ Nguyễn Văn Trịnh, Phan Quốc Việt đã 2 lần chi tiền, với tổng số tiền là 200.000 USD (tương đương hơn 4,5 tỉ đồng).
Trong hai vụ án “chuyến bay giải cứu” và “Việt Á”, có nhiều trường hợp, các thư ký nhận hối lộ, nhưng các thủ trưởng là cấp trên trực tiếp lại vô can. Đó là: bị cáo Phạm Trung Kiên, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhận hối lộ 42,6 tỷ; Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhận 200.000 USD; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý của nguyên Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, nhận hối lộ hơn 4,2 tỉ đồng.
Điều đó khiến dư luận thắc mắc, tại sao các thư ký của lãnh đạo cấp cao lại “liều lĩnh” ăn hối lộ, qua mặt cả thủ trưởng của họ, hay họ bị buộc phải làm những “Lê Lai cứu Chúa”?
Cần làm rõ, các bị cáo là các thư ký, trợ lý, như: Phạm Trung Kiên, Nguyễn Văn Trịnh, Nguyễn Quang Linh, có chia những khoản mà họ nhận hối lộ, cho các lãnh đạo trực tiếp của họ hay không. Đây là điều hoàn toàn không khó để điều tra.
Như trường hợp bị can Nguyễn Huỳnh, cựu Thư ký của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, làm trung gian nhận tiền từ Phan Quốc Việt 56 tỷ. Trong kết luận điều tra đã thể hiện rất rõ ràng, Thư ký Huỳnh đã đưa lại cho thủ trưởng Long gần như toàn bộ.
Đến nay, dư luận vẫn thắc mắc, có hay không chủ trương giới hạn cận trên theo chỉ đạo của cơ quan phòng chống tham nhũng Trung ương? Cơ quan này không cho phép các cơ quan chức năng truy tố từ cấp cao hơn bộ trưởng, cụ thể là từ Phó Thủ tướng trở lên. Nếu vậy, thì rõ ràng, chống tham nhũng ở Việt Nam cũng chỉ là “tắm từ vai xuống”.
Dư luận thắc mắc, tại sao Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định với dân, “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Công luận có quyền đặt câu hỏi, bỏ lọt không truy tố các lãnh đạo cấp cao, từ Phó Thủ tướng trở lên thì là vùng gì, “vùng kín” hay “vùng né” vậy, thưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?./.
Trà My – Thoibao.de