Liệu có còn tia hy vọng nào cho Nguyễn Văn Chưởng?

Link Video: https://youtu.be/fcHeFk9ynnA

Ngày 16/8, một kênh truyền thông quốc tế tiếng Việt dẫn tin từ gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng cho hay, tinh thần của ông khá tiêu cực, sau khi hay tin sắp thi hành án.

Bài báo cho biết, gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã đi thăm ông hôm 14/8, nói rằng, nhà tù vẫn chưa được thông báo gì cho ông Chưởng về việc thi hành án.

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố ông Chưởng đoán rằng, có lẽ, sự việc gây xôn xao dư luận, nên những người thăm nuôi họ kể, rồi Chưởng biết tin từ bạn tù của mình. Nhưng thông tin về thời gian, địa điểm thi hành án vẫn là “ mờ” đối với tất cả mọi người.

Bài báo dẫn lời gia đình ông Chưởng nói rằng, ban đầu, gia đình định giấu chuyện nhận được thông báo việc nhận tro cốt người đã thi hành án tử hình, nhưng khi trò chuyện một lúc thì ông Chưởng nói rằng, mình đã “biết hết rồi“.

Tinh thần và thái độ của Chưởng khác hẳn, ông Chinh khuyên Chưởng tích cực lên, cứ tiếp tục làm đơn gửi đi, thì Chưởng nói rằng, làm đơn, kêu oan để làm gì, vì không hiệu quả chi hết, bao nhiêu năm rồi.

Theo mô tả của ông Chinh, không khí của phòng thăm thân hôm 14/8 cũng khác với thường lệ. Gia đình tuy có nhiều thời gian để trò chuyện với nhau lâu hơn, nhưng lực lượng công an đứng gác cũng được bố trí đông đảo hơn.

Theo bài báo, vợ chồng ông Chinh chỉ có hai người con trai, nhưng ông Nguyễn Trọng Đoàn, em trai ông Chưởng đã ra đi hai tháng trước vì ung thư, còn lại một mình Chưởng. Bao nhiêu sức lực, tiền của, tinh thần của cặp vợ chồng gần 80 tuổi, hơn 16 năm qua đều đổ dồn cho việc minh oan cho con trai Nguyễn Văn Chưởng.

Ông Chinh khẳng định rằng, ông sẽ đấu tranh cho tự do của con trai mình đến “hơi thở cuối cùng“.

Bài báo dẫn bình luận của Luật sư Đặng Đình Mạnh rằng, quyết định xử tử một người là đến từ chính con người, mà con người thì không hoàn hảo và có thể có sai lầm.

Do đó, nếu một quốc gia tôn trọng sinh mạnh người dân, thì luật pháp phải luôn luôn dự liệu sẵn quy định để sửa sai. Nếu luật pháp của một quốc gia không dự liệu sẵn quy định sửa sai, chứng tỏ quốc gia đó không tôn trọng sinh mạng người dân.”

Hình: Bài trên BBC Tiếng Việt

Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích thêm rằng, bản án của Hội đồng Thẩm phán đối với ông Nguyễn Văn Chưởng vẫn chưa phải là dấu chấm hết.

Vì lẽ, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thì hai cơ quan của Quốc hội, gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp và hai chức danh tư pháp gồm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, vẫn có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định của mình.”

Chỉ khi nào Hội đồng Thẩm phán đã có quyết định giải quyết các yêu cầu hoặc kiến nghị đó, thì đó mới là dấu chấm hết sự việc,” theo Luật sư Mạnh.

Ngoài ra, ở Điều 404 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có viết:

Khi có căn cứ xác định, quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao đề nghị, thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.”

Vấn đề đặt ra là, năm 2011, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, mà không suy xét những tình tiết còn đầy uẩn khúc mà các luật sư bào chữa cho ông Chưởng đã nêu. Như vậy, những tình tiết này đến nay có được xem là “là tình tiết quan trọng mới” hay không, thì còn phụ thuộc vào ý chí chính trị của các cấp lãnh đạo.

Quang Minh

>>> Cần cẩn trọng với những khoản vay từ Trung Quốc

>>> VinFast được định giá “hào nhoáng” trong khi đang phải chịu nhiều áp lực

>>> Vụ Việt Á: Chưa xét xử mà Đảng đã tính chuyện “tha, miễn tội”

>>> Bảy tổ chức XHDS độc lập, đề nghị huỷ việc “tách nhập” các địa phương

“Tài năng” của Phạm Nhật Vượng