Link Video: https://youtu.be/S0dS3cDZIVo
Theo báo chí trong nước cho biết, vào ngày 9/8 vừa qua, Trung Tá Lê Huy Cao, trưởng Công An Xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước, vừa bị tạm ngưng chức hai tháng do đánh một thanh niên tại địa phương.
Theo tờ Tuổi Trẻ hôm 9/8, trong sự việc xảy ra một ngày trước, Công An Xã Bình Sơn nhận tin báo về một chiếc xe ba gác nằm cạnh đường, không người trông coi, nghi là tài sản trộm cắp.
Trung Tá Cao sau đó xuất hiện, xưng “mày, tao” rồi “dùng tay đấm, chân đạp và còng tay anh Hoàn.”
Hậu quả là trên đầu và tai anh Hoàn có một số vết thương, chảy máu, phải vào bệnh viện điều trị.
Đáng nói, theo tờ Pháp Luật TP.HCM, anh Hoàn bị đánh chảy máu đầu nên người dân yêu cầu công an mở còng tay để đưa đi bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ khi người nhà đưa đến bệnh viện thì công an mới chịu mở còng tay cho nạn nhân.
Sự việc được em gái anh Hoàn quay video clip và đăng lên trang cá nhân.
Sau khi mọi người bàn tán, lãnh đạo Công An Huyện Phú Riềng và chính quyền địa phương được ghi nhận “đến thăm hỏi, động viên” nạn nhân.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết thêm, một lãnh đạo Công An Tỉnh Bình Phước không được nêu danh tính cho rằng trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng công an xã “đã có những hành động phản cảm, gây bất bình cho người dân.”
Công an xét thấy trung tá Lê Huy Cao có hành động không chuẩn mực khi làm nhiệm vụ, không đúng điều lệnh và văn hóa ứng xử của ngành công an gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của lực lượng công an nhân dân nên đã quyết định tạm đình chỉ công tác đối với trung tá Lê Huy Cao để xác minh, làm rõ.
Giới chức này khẳng định sẽ “xử lý vụ việc theo quy trình, sai tới đâu xử lý tới đó và không bao che sai phạm.”
Tuy sự việc Trung Tá Lê Huy Cao đánh dân đã rõ ràng và được Công An Tỉnh Bình Phước xác nhận, một số báo ở Việt Nam như tờ Thanh Niên hôm 9/8 vẫn đưa tin dè dặt rằng “người đàn ông mặc trang phục giống công an đánh một người dân.”
Đến nay, theo thông lệ, các vụ công an đánh dân hiếm khi được xử phạt rốt ráo, thậm chí ngược lại, người dân đưa sự việc lên mạng xã hội còn bị xử phạt hành chính vì “làm ảnh hưởng uy tín của công an nhân dân.”
Vào tháng 1/2023, Mạng xã hội Việt Nam cũng lan truyền 1 clip công an đánh dân tại Huyện Châu Thành, Bến Tre. Video clip này có hiện rõ ngày, tháng ghi hình là 20/1/2023, cho thấy nhiều dân quân đang khống chế một người đàn ông say rượu thì một công an đến đá liên tục vào người đàn ông này. Vụ việc được cho biết xảy ra tại nhà của một phụ nữ 46 tuổi ở xã Thành Triệu.
Nhiều người dùng mạng xã hội bày tỏ thái độ phẫn nộ trước hành động đánh người dân của viên công an kia. Công an huyện Châu Thành cũng cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác với đại uý T.V.T để lực lượng chức năng xác minh làm rõ hành động của người này trong clip trên. Sự việc sau đó không được báo chí nhắc đến nữa.
Những lý do khác, khiến người dân ngày càng bức xúc, là những câu chuyện liên quan đến hành xử của công an trong lúc thực hiện việc được gọi là “thi hành công vụ” hoặc người dân tử vong sau khi ra khỏi phường, nhập viện sau khi lên phường làm việc đã không được điều tra và có câu trả lời thỏa đáng. Hầu như tất cả nghi án đều đi đến một kết luận là vụ việc đang được tiến hành điều tra, hoặc người bị tố thực hiện hành vi đó bị đình chỉ công tác.
Lâu nay những tổ chức nhân quyền vẫn lên tiếng về nhiều trường hợp công an Việt Nam tra tấn, hành hung và ép cung người bị bắt giữ.
Trong khi đó, năm 2013 Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn và những hình phạt hoặc sự đối xử tàn ác, hạ nhục nhân cách. (UNCAT)
Minh Vũ
>>> Cần áp dụng đúng luật để minh oan cho các tử tù bị oan sai
>>> Những bằng chứng oan sai trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng
>>> Dưới chế độ độc tài, e rằng số phận Nguyễn Văn Chưởng đã an bài trong tuyệt vọng
>>> “Báo chí Cách mạng” chiến đấu hết mình vì Đảng, nhưng im lặng trước việc tử hình oan
Vụ “chuyến bay giải cứu”: Làm sao để nạn nhân có thể kiện?