Link Video: https://youtu.be/DmBItHDJvOs
Ngày 7/8, Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington đã có bài bình luận về những bất minh trong vụ chuyến bay giải cứu đăng trên một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài.
Theo tác giả, có 6 điểm mấu chốt cần quan tâm trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Thứ nhất, Bộ Ngoại giao hiện đã bị hoen ố trong mắt công chúng.
Có 13 trong số 54 bị cáo đến từ Bộ Ngoại giao, nơi luôn tự hào là một tổ chức rất nhỏ và ưu tú. Trong thời kỳ khủng hoảng, các nhà ngoại giao này đã lợi dụng những người lao động xuất khẩu ở nước ngoài khi họ đang tuyệt vọng.
Thứ hai, Tòa án quyết định rằng, việc trả lại ba phần tư số tiền tham nhũng sẽ giúp các bị cáo đủ điều kiện để nhận khoan hồng từ phía tòa án.
Tác giả nêu dẫn chứng về trường hợp Phạm Trung Kiên, đại diện Viện Kiểm sát đã đề xuất án tử hình đối với ông này, nhưng sau khi ông này trả lại toàn bộ 42 tỷ đồng, tòa án đã tuyên án tù chung thân cho ông, và tuyên bố “không cần phải loại bỏ khỏi xã hội”.
Tác giả nhận xét, phán quyết của tòa gây ra ấn tượng rằng, công lý có thể mua chuộc được. Truyền thông địa phương đã đặt câu hỏi rằng, liệu việc lấp đầy ngân khoản Nhà nước có quan trọng hơn việc trừng phạt những người tống tiền công dân trong thời kỳ đại dịch hay không.
Thứ ba, chỉ có 3 quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam bị kết tội, con số này nhỏ một cách vô lý so với tầm ảnh hưởng của Bộ này.
Tác giả cho rằng, các nhà điều tra của Bộ Công an đã tập trung vào Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, có vẻ như, họ muốn đóng lại ở cấp bậc này, và chuyển hướng cuộc điều tra ra bên ngoài.
Tuy nhiên, tác giả cho biết, có một bị cáo đã được truyền thông quan tâm đáng kể là Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra thuộc Bộ Công an, đơn vị chịu trách nhiệm điều tra các doanh nghiệp đưa hối lộ.
Thái độ ngang bướng của ông Hưng trong suốt phiên tòa cho mọi người thấy rằng, những người được giao nhiệm vụ điều tra tham nhũng, thường bị hoen ố bởi tham nhũng nhất. Hình phạt của ông Hưng còn nặng hơn cả yêu cầu của Viện Kiểm sát.
Thứ tư, phiên tòa đã nhắc lại rằng, tham nhũng cực kỳ phổ biến trong Bộ Y tế Việt Nam. Thư ký của của Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Trung Kiên, đã bị bắt vì đã nhận tiền hối lộ lên tới 253 lần trong vòng một năm.
Tác giả nhận định, các cuộc điều tra về quá nhiều quan chức cấp cao trong Bộ này đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và các thiết bị y tế cần thiết. Vì sợ bị dính vào cuộc điều tra tham nhũng, nên không ai sẵn lòng ký duyệt các hợp đồng mua thuốc men, thiết bị, vật tư y tế, gây trì hoãn cho hàng ngàn ca phẫu thuật vào đầu năm 2023.
Thứ năm, các nhà phân tích Việt Nam nhận định rằng, có sự khác biệt rõ rệt về mức độ ăn năn.
Tác giả phân tích, các quan chức lâu năm trong hệ thống dường như chấp nhận hình phạt của họ. Trái lại, những quan chức trẻ hơn lại ngang bướng và không muốn đền tội. Họ hầu như không thể hiện sự ăn năn.
Cấp trên của họ, mặc dù cũng phải đối diện với nhiều năm tù, nhưng đã tích lũy đủ tài sản qua nhiều năm. Các quan chức trẻ hơn thì không được như vậy.
Cuối cùng, vụ án này có một số liên kết tới chính trị cấp cao, như việc Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam mất chức trong năm nay.
Tác giả nhận định, việc kết án Trần Văn Tân, người được đồn là họ hàng của vợ Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy, Tô Lâm vẫn tiếp tục tạo áp lực đối với Phúc, để đảm bảo rằng, cựu Chủ tịch nước không can thiệp vào Đại hội Đảng XIV sắp tới.
Bởi vì, dù ông Phúc đã bị cách chức, nhưng ông có thể làm việc trong bóng tối để nâng đỡ đàn em của ông. Sự thành công của họ là sự đảm bảo cho tài sản và an ninh của ông cũng như gia đình ông.
Thu Phương – thoibao.de
>>> Có cần sát nhập quận Hoàn Kiếm?
>>> Bộ Công an Việt Nam bắt Nguyễn Cao Trí rồi ém tin.
>>> Công luận nói gì về vụ án Nguyễn Văn Chưởng ?
>>> Hành trình “khủng khiếp” trên chuyến bay giải cứu.
Những bình luận về thông báo “lạnh người” của Tòa án Hải Phòng về việc thi hành án đối với Nguyễn Văn Chưởng