Ngành giáo dục là ngành cần được bao cấp và một số nước phát triển đang tiến tới bao cấp hoàn toàn. Nếu nói Việt Nam nghèo hơn những nước dân chủ để bao cấp giáo dục, thì ít ra, Việt Nam cũng nên học theo những quốc gia chưa giàu nhưng tử tế với dân.
Những nhà nước tử tế luôn tìm mọi cách để giáo dục tiến tới giá rẻ, và dần dần tiến tới miễn phí hoàn toàn cho người dân của họ. Trong khi đó, chính quyền Cộng sản Việt Nam thì làm ngược lại. Chi phí giáo dục ngày một đè nặng lên vai người dân.
Cái gọi là “tự chủ tài chính” của trường công, đã đẩy học phí trường công tại Hà Nội lên cao ngất ngưởng, đến 6 triệu đồng/tháng cho một học sinh lớp 6. Như vậy, nếu muốn học trường công, mỗi năm phụ huynh phải chi ra 54 triệu đồng. Một con số quá lớn so với thu nhập bình quân của người dân.
Nếu người dân bình thường kiếm 8 triệu đồng/tháng thì làm sao nuôi con ăn học? Đây là một chính sách dần dần đẩy giáo dục ra xa tầm với của người dân. Không biết Đảng Cộng sản thực hiện tham vọng “sánh vai cùng cường quốc 5 châu” của ông Hồ Chí Minh thế nào, khi mà chính sách của chính quyền Cộng sản đi ngược lại với các nước văn minh như vậy.
Đấy là về giáo dục, còn về y tế thì sao?
Về y tế, mới đây, Bộ Y tế cùng các bệnh viện đang xây dựng khung giá cho hơn 10.000 dịch vụ, kỹ thuật y tế, theo hướng tính đúng tính đủ, trong lộ trình tăng viện phí sắp tới. Lâu nay, người dân sợ đến bệnh viện vì đắt đỏ, thì ngày nay, với chính sách giá như thế này, thì rõ ràng, chính quyền Việt Nam đang đẩy dịch vụ y tế ra xa tầm với của người dân.
Y tế cũng như giáo dục, đây là 2 lĩnh vực mà một nhà nước tử tế luôn luôn tìm cách để vừa với tầm với của người dân. Nếu đất nước chưa giàu thì thực hiện chính sách trợ giá, làm cho dịch vụ y tế giáo dục rẻ hơn, nếu giàu thì miễn phí cho toàn dân. Với chính sách đi ngược lại với đà phát triển của xã hội văn minh như thế, thì rõ ràng, chính quyền Cộng sản đang ngày một muốn khoan vào sức dân, chứ chẳng trợ giúp gì cho dân. Vậy mà, chính quyền này cứ ngày đêm ra rả là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Ngoài chuyện 10.000 dịch vụ kỹ thuật y tế tăng giá, thì nhiều dự án bệnh viện xây dang dở không hoàn thành. Nguyên nhân là thiếu vốn. Mới đây, báo Vnexpress cho biết, dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ quy mô 500 giường, vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, xây dựng dang dở, phơi mưa nắng nhiều năm, thiết bị vật tư ngổn ngang. Trên khắp đất nước Việt Nam, rất nhiều bệnh viện như thế, được xây dựng nhưng không đi vào hoạt động, gây ra lãng phí ghê gớm với nguồn vốn xã hội.
Tuy bệnh viện mọc lên không nổi, nhưng tượng đài thì lại mọc lên như nấm. Có thể kể ra một số tượng đài điển hình được xây gần đây như: Tượng đài lưu niệm hành trình cứu nước của Hun Sen trị giá 300 tỷ ở Bình Phước; Tượng đài Hồ Chí Minh ở Phú Quốc 353 tỷ đồng; Tượng đài tập kết ở Thanh Hoá trị giá 255 tỷ đồng; Hải Phòng dự chi hơn 131 tỷ xây Tượng đài Chiến thắng Cát Bi, trên diện tích 2,6 ha; Tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh ở trung tâm huyện Hưng Nguyên, Nghệ An; Cụm tượng đài Cảnh sát Giao thông, Phòng cháy chữa cháy ở Công viên Thống Nhất, Hà Nội; Tượng đài N’Trang Lơng ở tỉnh Đắk Lắk, trên tổng diện tích là 5,9ha, kinh phí hơn 167 tỷ; Khu tượng đài Bà Triệu trên diện tích 5 ha tại xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa; Tượng đài “Chuyến tàu tập kết ra Bắc 1954” ở Cà Mau; Công viên tưởng niệm 64 giáo viên và học sinh đã hy sinh khi bảo vệ đê sông Mã năm 1972, kinh phí hơn 125 tỷ đồng, tại Thanh Hóa; tỉnh Lâm Đồng đề xuất xây tượng đài Quốc tổ Hùng Vương cao 51m, với vốn đầu tư 70 tỷ đồng tại Thác Prenn, Đà Lạt.
Đấy là những gì mà chính quyền Cộng sản đã đang và sẽ làm. Chính sách bòn sức dân để vung tiền lãng phí và dựa vào đó kiếm ăn. Bất hạnh thay cho một đất nước bị Cộng sản cai trị.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://vnexpress.net/hon-10-000-dich-vu-y-te-se-tang-gia-4628186.html
https://vnexpress.net/benh-vien-1-700-ty-dong-cham-tre-thiet-bi-phoi-nang-mua-4627966.html