Vụ án Việt Á xem như tạm ổn, khi mà ông Nguyễn Xuân Phúc nhân lễ bàn giao tại Phủ Chủ tịch, đã kịp chèn họng ông Tổng bằng câu khẳng định: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp giám đốc Việt Á, điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng”. Như vậy thì, Trần Cẩm Tú xem như đã bị ông Nguyễn Xuân Phúc đưa vào thế kẹt.
Từ khi ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa thì cũng có nhiều tin đồn bà Trần thị Nguyệt Thu bị Bộ Công an câu lưu, nhưng đấy chỉ là tin đồn, rất khó xác minh. Rất khó cho ông Tô Lâm để điều tra bà vợ ông Phúc về vụ Việt Á. Tuy vợ ông Phúc tạm ổn, nhưng người khác thì không ổn, đặc biệt là những đại gia có quan hệ với ông cựu Chủ tịch nước. Một trong những mối quan hệ của ông Phúc là Tập đoàn Trung Nam Group.
Vào tháng 6/2016, khi mới lên vị trí Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đã can thiệp để Trung Nam Group trúng thầu dự án chống ngập 10 ngàn tỷ theo hình thức BT, do Ủy ban Nhân dân thành phố HCM làm chủ đầu tư. Ngày lễ khởi công dự án diễn ra rất hoành tráng, trong đó có những nhân vật tai to mặt lớn, như: Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thiện Nhân. Phía chủ đầu tư có ông Đinh La Thăng, khi ấy mới được bổ nhiệm vào ghế Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố và Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực.
Tiếp theo sau đó, ngày 27/8/2016, tại tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng được Trung Nam Group mời tới tham dự và phát lệnh khởi công xây dựng nhà máy điện gió, tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Dự án do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam (Trungnam Group) làm chủ đầu tư, với số vốn xây dựng là 3.965 tỷ đồng, trên diện tích 26 ha, với 45 tuabin gió cao 95m, công suất 2MW/chiếc.
Nói chung, khi mới nắm ghế Thủ tướng thì ông Nguyễn Xuân Phúc đã nâng đỡ Trung Nam Group hết mực. Để tăng cường sức mạnh cho Trung Nam, ông Phúc còn mời thêm những cựu lãnh đạo Chính phủ và Nhà nước đến dự, để chắp cánh cho Trung Nam Group tung hoành khắp Việt Nam.
Khoe khoang, ra quân với thế lực hùng hậu như thế, để rồi sau đó, dự án chống ngập thất bại. Điều đáng nói là, tuy Trung Nam Group thất bại, nhưng chẳng ai dám khui vụ việc này, bởi vì, thế lực chống lưng cho Trung Nam Group quá mạnh. Tuy nhiên, không có tập đoàn sân sau nào mạnh mãi. Đã là sân sau thì phải tới ngày tàn, khi thế lực mà nó dựa vào bị thất thế. Trường hợp Tập đoàn Tân Tạo bị lụi tàn theo sự nghiệp chính trị của ông Trương Tấn Sang là ví dụ.
Sau khi Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, thì ngày 1/3 vừa qua, Cục Thuế thành phố Đà Nẵng có quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, đối với Công ty Cổ phần Trung Nam, với số tiền hơn 445 tỷ đồng. Lúc trước, đố ai dám “hỗn” với Trung Nam như thế.
Dậu đổ bìm leo là chuyện hiển nhiên. Cách tốt nhất để chiếm hữu là nhóm lợi ích đang lên thịt nhóm lợi ích thất thế. Vạn Thịnh Phát, Tân Tạo vv… đã chịu chung số phận, khi “người đỡ đầu” không còn sức nâng đỡ, thì Trung Nam cũng thế. Đã đến lúc Trung Nam hết thời.
Những ngày qua, đại gia Nguyễn Cao Trí được cho là sân sau của một ông cựu Chủ tịch nước quê Long An, phải trốn chui trốn nhủi, thì có lẽ, Tổng Giám đốc Trung Nam Group cũng không an toàn cho mấy. Giờ đây, vị Tổng Giám đốc Tập đoàn này cơ thể chứa “đầy bệnh”, nếu ra gió thì có khi bị gió “quật”. Có lẽ, ông nên cẩn thận.
Trò chơi chính trị là thế, sự xâu xé lẫn nhau trong nội bộ Đảng Cộng sản nó thế. Cứ lớp này lên thịt lớp khác, và lớp khác lên thịt lớp hết thời. Cứ như thế, sóng sau xô sóng trước. Các nhóm lợi ích làm thịt lẫn nhau. Nhưng tất cả họ đều có được hưởng lợi, chỉ có dân là bị thiệt mà thôi.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: