Có thể nói vụ bắt cóc lần đầu làm chấn động dư luận xã hội là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Liên bang Đức. Ông Trịnh Xuân Thanh đến Berlin, Đức, xin tị nạn và bị ông Tô Lâm cho bố ráp, bắt cóc người, ngay giữa thủ đô một quốc gia có chủ quyền. Vào nhà người ta không xin phép, âm thầm lấy đồ mang về. Cho dù đồ đó trước kia là của mình, thì cũng không thể vào nhà người khác lấy tự tiện được. Hành động như vậy là hành động ăn cướp hoặc ăn cắp.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh đánh động dư luận rất mạnh, bởi tại Đức, người Việt sống và làm việc rất nhiều. Với những người Việt có ý thức tốt về tinh thần thượng tôn pháp luật, họ không bao giờ dung thứ cho hành động xem thường pháp luật ấy, dù kẻ đạp lên pháp luật Đức có là một Chính phủ đi chăng nữa. Cũng bởi tại Đức có kiều bào sống nhiều, nên vụ Trịnh Xuân Thanh bị cộng đồng mạng biết sớm và lên tiếng mạnh mẽ.
Để hợp thức hóa việc bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, Chính quyền Cộng sản đưa tin là Trịnh Xuân Thanh tự về nước đầu thú. Vở kịch này là để che che đậy hành động xấu xa của Chính quyền Cộng sản trước người dân, đồng thời cũng để chạy tội trước nhà nước Đức.
Vụ bắt cóc thứ nhì là vụ Thái Văn Đường tại Thái Lan. Nhờ cộng đồng người Việt tị nạn tại Thái Lan nên chuyện mới bị lộ nhanh chóng. Và cách làm của chính quyền Cộng sản Việt Nam cũng là kịch bản hợp thức hóa hành động bắt người ở nước ngoài. Chính quyền Cộng sản đã quy kết Thái Văn Đường xâm nhập biên giới bất hợp pháp. Tội xâm nhập biên giới là tội nhẹ, không phải biệt giam như tình trạng của Thái Văn Đường hiện nay.
Ngoài hai vụ đình đám trên thì còn có vụ Trương Duy Nhất. Chính quyền Cộng sản Việt Nam cũng bắt cóc nhà báo này tại Thái Lan. Vụ nhà báo Trương Duy Nhất cũng bị cộng đồng người Việt trên khắp thế giới lên án mạnh mẽ. Ngoài ra, cựu Thượng tá tình báo Công an – Phan Văn Anh Vũ – cũng được cho là bắt cóc tại một nước Đông Nam Á. Vụ bắt cóc ông Vũ âm thầm hơn những vụ khác, bởi ông này không có mối quan hệ tại quốc gia ông bị bắt giữ.
Chiều ngày 4/7, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ, để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 6/2023. Ông Tô Ân Xô cho biết, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC) đã về đầu thú. Người được cho là “đầu thú”, là Đỗ Văn Sơn (sinh năm 1977), cựu Kế toán trưởng Công ty AIC, là đối tượng đang bị truy nã trong đại án AIC, đã về đầu thú Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, để được xem xét hưởng khoan hồng.
Tuy nhiên, một nguồn tin khác đã báo cho chúng tôi biết trước khoảng 1 tuần, là một kế toán của AIC bị bắt cóc tại Dubai. Nhưng bên cung cấp thông tin không cho biết tên tuổi người bị bắt, nên chúng tôi phải chờ kiểm chứng. Hơn nữa, tại Dubai, chúng tôi cũng không kết nối được với người nào có thể biết vụ này để kiểm chứng, nên phải chờ đợi kết quả từ phía nhà cầm quyền. Và quả thật, sau đó, phía Chính phủ đã thông báo là người này về “đầu thú”.
Được biết, có 7 người trong Công ty AIC trốn đi nước ngoài, trong đó có bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Có người được cho là đang sinh sống tại Mỹ. Còn bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn nơi đâu thì chưa thể xác định được.
Nếu thông tin việc kế toán AIC bị bắt cóc tại Dubai là chính xác, thì quả thật, ông Bộ trưởng Bộ Công an vô cùng manh động. Gần như dư luận quốc tế không làm ông này chùn tay, mà còn manh động hơn. Nhà nước Cộng sản cần bắt tội phạm thì cũng phải biết tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng luật pháp nước sở tại. Hành động bắt cóc này cho thấy, chính quyền Cộng sản là một chính quyền vô pháp, không biết thượng tôn pháp luật. Người dân Việt sẽ khốn khổ với chính quyền này.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: