Link Video: https://youtu.be/z5IynMqilpw
Ngày 22/6, bolg Trân Văn trên VOA có bài “Giáo dục và thời “đất nước chưa bao giờ như thế này’”.
Theo tác giả, giáo dục vẫn là gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần cho tất cả các thành phần trong xã hội, và tính chất, mức độ phi lý trong hoạt động của lĩnh vực này, khiến người ta phải tự hỏi, ông Nguyễn Phú Trọng có thật sự… bình thường, khi ông vẫn thường lặp đi, lặp lại một cách đầy tự hào về chuyện: “Đất nước có bao giờ được như thế này không?”
Tác giả cho biết, sau khi học sinh, phụ huynh kiệt sức vì kỳ thi vào lớp 10 của hệ thống công lập – kỳ thi được xác nhận là “căng thẳng chưa từng có” – vì số lượng học sinh được tuyển “thấp chưa từng có”, thiên hạ nổi giận khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức, tiếp tục thảo luận sôi nổi về chuyện, có nên duy trì “quy định cộng điểm ưu tiên cho con của người hoạt động Cách mạng trước ngày 1/1/1945 và con của người hoạt động Cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945” khi xem xét tuyển sinh vào lớp 10 của các trường trung học thuộc hệ thống công lập.
Tác giả mỉa mai hỏi, từ 1945 đến nay là 78 năm, liệu có ai là con của “người họat động Cách mạng” ở giai đoạn đó, còn nhu cầu… dự thi vào lớp 10 của các trường trung học thuộc hệ thống công lập, và cần được ưu tiên?
Tác giả nhận xét, một thực tế rõ ràng, phúc lợi về giáo dục càng ngày càng xa tầm với của nhiều giới, đặc biệt là những thành phần yếu thế. Chẳng lẽ, nhận thức của các hệ thống hạn chế tới mức, chỉ thấy việc “cộng điểm ưu tiên cho con của người hoạt động Cách mạng trước ngày 1/1/1945 và con của người hoạt động Cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945” là cần băn khoăn. Còn tình trạng chi phí cho giáo dục càng ngày càng nặng, chuyển chi phí này cho những đứa trẻ và phụ huynh của chúng gánh, thì không… quan trọng? Quản trị quốc gia, điều hành xã hội thế nào, mà càng ngày, số chỗ trong hệ thống các trường công lập càng giảm, nhiều nơi chỉ đáp ứng được 55% nhu cầu, thậm chí học phí trong các trường công lập cũng càng ngày càng cao, có nơi cao gấp đôi, thậm chí gấp ba cách nay vài năm.
Tác giả, cay đắng và chua xót, đặt một loạt câu hỏi.
Có thời nào ở đất nước này và có đất nước nào “được như thế này”: Sau khi đã dốc cạn tiền bạc, thời gian, sức lực để đầu tư vào học vấn, thanh niên không thể tìm được việc làm, bằng cấp trở thành vô nghĩa, và không ai dám lên án, đòi truy cứu trách nhiệm về sự lãng phí kinh khủng đó?
Có thời nào ở đất nước này, có đất nước nào “được như thế này”: Các viên chức lãnh đạo ngành Giáo dục Đào tạo một tỉnh thản nhiên bắt tay nhau, để tạo điều kiện cho một nhà thầu cung cấp thiết bị giáo dục kém chất lượng, với giá cao gấp năm, bảy lần giá trị thực, rồi cùng nhau bỏ túi vài chục tỉ đồng. Tuy vụ “thông thầu” diễn ra công khai suốt ba năm (2016 – 2019), nhưng không ai dám lên tiếng, không nơi nào ngó ngàng, và ba năm sau mới khởi tố, vì dường như, tương quan giữa thế và lực của các băng nhóm trên chính trường đã khác trước
Có thời nào ở đất nước này và có đất nước nào “được như thế này”: Bởi không có cơ hội sinh tồn trên xứ sở của mình, công dân dắt díu nhau đi ngoại quốc làm thuê, không thể tính xuể số người bỏ mạng, bị vùi dập vì chọn con đường mưu sinh bất hợp pháp trên xứ người. Không những không cảm thấy hổ thẹn, áy náy, các viên chức hữu trách từ Trung ương đến địa phương đồng thanh thuyết phục đồng bào nên thu xếp ra ngoại quốc làm mướn, bởi con đường đó giống như “cơ hội” duy nhất đạt tới “quốc thái, dân an”.
Có thời nào ở đất nước này và có đất nước nào “được như thế này”: Từ Hiệu phó đến giáo viên của một trường trung học lẳng lặng ra ngoại quốc tìm sinh kế, tìm xong, cùng xin nghỉ dạy. Thay vì xin lỗi vì đã tạo ra nghịch cảnh này, các viên chức hữu trách chỉ lên án và ra quyết định kỷ luật… “buộc thôi việc”?
Có thời nào ở đất nước này và có đất nước nào “được như thế này”: Trẻ con hoàn tất trung học không muốn vào đại học, ngay cả những đứa trẻ giỏi nhất và đã được các đại học hàng đầu quốc gia tiếp nhận, nhưng vẫn rũ áo bỏ đi làm mướn cho thiên hạ ở ngoại quốc?
Có thời nào ở đất nước này và có đất nước nào “được như thế này”: Lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thản nhiên phủi sạch trách nhiệm trước các thảm trạng và liên tục bi bô kiểu như: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại…?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng bị kiểm soát chặt hơn
>>> Nguy cơ đối với người Thượng đang tị nạn tại Thái Lan
>>> Xã hội biết tiếp nhận chỉ trích mới có khả năng giải quyết vấn đề
>>> Lãnh đạo có tự hỏi, vì sao nông dân Thái lại giàu hơn nông dân Việt?
Báo chí Cách mạng: Nhà báo “ăn trái cấm” của đồng nghiệp hóa ghiền, vứt luôn trái chồng!