Link Video: https://youtu.be/MnXcbGkIa0c
Ngày 19/6, BBC Tiếng Việt có bài “Việt Nam: Công tác quản trị ngôn luận chưa khoa học” của Luật sư Ngô Ngọc Trai.
Luật sư Trai nhắc đến 2 vụ án ở Thanh Hóa mà ông từng tham gia bào chữa. Vụ án thứ nhất là một thân chủ của ông bị xử tù về tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, vì đã viết trên mạng những lời lẽ bình luận về lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá, trong đó có tên những người vừa được Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhắc đến.
Vụ thứ hai là trong một cuộc họp tại Nhà Văn hóa khu phố ở thành phố Sầm Sơn, có một lãnh đạo thành phố chủ trì cuộc họp, nhằm triển khai việc thu hồi đất làm dự án. Có hai người đàn ông xen vào cuộc họp, cầm micro nói vài lời phản đối dự án, thế rồi bị quy kết về tội gây rối trật tự công cộng, bị xử tù.
Qua những vụ án bào chữa có liên quan tới cán bộ và qua kết luận về những sai phạm của họ hiện nay, Luật sư cho rằng, cần có sự thay đổi quan điểm nhận thức trong công tác quản trị.
Theo Luật sư Trai, cần để cho người dân giám sát, kể cả phê phán, thay vì xử lý hình sự và xử phạt hành chính những vấn đề về ngôn luận. Nên học hỏi nguyên tắc quản trị ngôn luận của các nước phát triển, ví dụ Singapore.
Luật sư Trai nhắc đến việc Thủ tướng Lý Quang Diệu sử dụng phương thức là khởi kiện dân sự đối với cáo buộc hoặc phỉ báng nhắm vào ông, để làm rõ đúng sai và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ví như trong một vụ kiện năm 2008, Toà án Tối cao Singapore đã ra phán quyết buộc đảng Dân chủ Singapore và người lãnh đạo của đảng này phải bồi thường cho Thủ tướng Lý Hiển Long và cha ông là cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu 61 vạn SGD (khoảng 414 ngàn USD) vì tội phỉ báng.
Luật sư nhận xét, như thế, ở Singapore, người ta đã không sử dụng quyền lực công, không xử phạt hành chính hay xử lý hình sự đối với hành vi phỉ báng nhắm vào người đứng đầu đất nước.
Việc xử lý hành chính hay xử lý hình sự đối với những hành vi ngôn luận của người dân nói tới cán bộ công chức, đó sẽ là một nguyên tắc lớn trong một hệ thống các nguyên tắc quản trị quốc gia.
Nếu như nguyên tắc đó mà bất cập, thì sẽ gây ra những hệ quả không tốt cho phát triển quốc gia và ổn định xã hội.
Luật sư phân tích, thử hình dung, nếu nước Mỹ cũng xử lý hình sự những người nói xấu Tổng thống Donald Trump, thì có khi sẽ phải xử lý hàng triệu người.
Một bất cập nữa là hiện nay, theo Luật sư, không chỉ việc phát ngôn của người dân nhắm vào cán bộ, mà phát ngôn của các công dân nhắm vào nhau, cũng đang trở thành hành vi bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Luật sư dẫn chứng việc mới đây, một cựu CEO của hãng hàng không Bamboo Airway đã bị xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng, vì hành vi ngôn luận khi nói đến một cá nhân khác.
Báo chí trong nước đưa tin cho biết, ngày 5/5, vị CEO trên đã viết lên trang cá nhân của mình với nội dung: “Làm ngân hàng dù ở bất cứ đâu trên thế giới này là lãi nhất rồi, mà cổ đông không được chia cổ tức trong 7 năm thì đúng Chủ tịch Sacombank là người bất tài. Anh này với mình còn là người không có đức“; “Chủ tịch ngân hàng mà có biết gì về “nghề” đâu“.
Luật sư Trai nhận xét, về nguyên tắc, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, khi bất kỳ một công dân nào bị người khác nói xấu, thì cơ quan quản lý có đứng ra xử phạt người nói xấu để bảo vệ người kia không, có xử lý hết được không?
Nếu không thì đó không phải là cách để xây dựng nền pháp quyền, trong khi cách thức đúng là nếu ai cảm thấy bị tổn hại hoặc tổn thương bởi hành vi ngôn luận của người khác, thì tự người đó khởi kiện ra tòa.
Luật sư lấy dẫn chứng vụ án Tịnh Thất Bồng Lai, vụ án bà Phương Hằng và các nghệ sĩ cùng những người liên quan, đã gây ra những xung động tâm lý xã hội nhất định. Trong đó có luật sư như ông Trần Văn Sỹ, có nhà báo như bà Đặng Thị Hàn Ni đã bị xử lý hình sự, chỉ vì những vấn đề ngôn luận giữa các cá nhân.
Từ tất cả những sự việc như vậy, Luật sư thấy rằng, việc thiết lập nguyên tắc quản trị quốc gia xung quanh vấn đề ngôn luận chưa khoa học. Chuyện ngôn luận cần hạn chế sử dụng quyền hành chính, mà hãy dành chuyện đó cho khung pháp luật về dân sự.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ảnh hưởng người Kinh đến sự biến mất của văn hoá người Thượng
>>> Luật sư và “tội” dám nói lên sự thật
>>> “Quan hệ Tư bản Thân hữu” trong nhà nước Xã hội Chủ nghĩa
Tây Nguyên tức nước vỡ bờ