Vạn quan đòi ăn lại quả nhưng sao chỉ một người “trúng độc”?

Hồi năm 2017, một hãng tin tình báo quốc phòng của Anh Shephard Media tiết lộ rằng, các quan chức Chính phủ Việt Nam yêu cầu các đối tác của Mỹ trả 25% hoa hồng cho các thương vụ mua bán vũ khí. Thông tin của Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết, các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết, trong một cuộc họp ở Hà Nội rằng, các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 25%. Sự đòi hỏi này khiến đàm phán sau đó bị đổ vỡ, vì phía Mỹ không muốn tiếp tay cho tham nhũng.

Năm 2017, quan chức quốc phòng Việt Nam đòi lại quả 25% hợp đồng mua vũ khí

Câu chuyện về lại quả là chuyện bình thường trong xã hội Việt Nam, đã có dự án là có lại quả. Chính vì có luật ngầm lại quả mà quan chức có thể làm giàu, dù chỉ nhận đồng lương chết đói. Có người xây nhà bằng hàng trăm năm tiền lương, mua xe ô tô bằng vài chục năm tiền lương, ăn bữa ăn bằng 3 tháng lương như ông Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng. Quy luật lại quả là một trong những quy tắc trong hàng loạt quy tắc ngầm để quan chức làm giàu. Trong tất cả các ngành, các nghề mà có nguồn vốn ngân sách đều thế.

Năm 2021, sau khi vụ Việt Á bị phanh phui, thì xã hội mới biết, Công ty Việt Á lại quả 20 – 25% cho 1 đơn vị ở Quảng Bình, trả bằng kit xét nghiệm. Tuy nhiên, với những đơn vị khác thì Việt Á lại quả bằng tiền hay quà cáp. Có thể nói, luật chơi lại quả từ 20 đến 25%, gần như đó là quy luật bấy lâu nay. Với tổng số tiền lên đến 4000 tỷ đồng, thì số tiền lại quả có thể đến 1000 tỷ đồng chứ không ít.

Ngày 14/6, tờ báo VnExpress có đăng bài viết “Phó Chủ tịch huyện nhận giọng nói của mình trong ghi âm “đòi lại quả’”. Bài báo cho biết, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, đã xác nhận giọng nói của mình trong đoạn ghi âm, nhưng ông này phủ nhận nội dung không phải đòi “lại quả” nhà thầu.

Được biết, ngày 27/5, tài khoản Facebook Hai Nguyen đăng một đoạn ghi âm dài gần hai phút, được cho là trao đổi của ông Sơn với một nhà thầu. Nội dung cho biết, huyện đang nghiên cứu để giao cho nhà thầu thực hiện công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao xã Phú Tân, song nhà thầu chi 20% là “hơi yếu hơn mấy đơn vị khác”. Sau khi phân trần mức 30% quá cao, nhà thầu được đề nghị “theo luật chơi”.

Ngày 14/6, ông Lê Văn Ngời, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết, kết quả kiểm tra, Phó chủ tịch huyện Phú Tân Nguyễn Văn Sơn đã thừa nhận nội dung đoạn ghi âm trên.

Vạn quan ăn lại quả nhưng chỉ một vài vị “trúng độc”

Có ý kiến cho rằng, trăm người đòi lại quả thì chỉ một tỷ lệ rất rất nhỏ bị lộ, bởi những người thỏa thuận ngầm với nhau ít ai lại ghi âm. Việc ghi âm là cách mà bên liên quan muốn gài bẫy ông Nguyễn Văn Sơn mà thôi. Hàng trăm, hàng ngàn những cuộc thỏa thuận dưới gầm bàn vẫn thường xảy ra hằng ngày, mà có ai bị lộ đâu?

Có những dự án mà lại quả có khi lên đến gần 70%, như dự án cắt cỏ của Hà Nội năm 2016, thời ông Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Hợp đồng cắt cỏ khoảng hơn 800 tỷ đồng làm cho nhiều người “choáng váng”. Rất nhiều người dân phản đối và cuối cùng, chính quyền Hà Nội lúc đó rút xuống chỉ còn 178 tỷ.

Thực ra, số tiền rút xuống ấy là số tiền mà các quan chức nhận lại quả chia chác nhau. Chỉ là một hợp đồng cắt cỏ mà phần lại quả lên đến gần 70%, một mức ăn cực cao. Với hầu hết các dự án, phần lại quả là 25%. Thực ra, lại quả 20% đã là quá kinh khủng, nhưng ở Việt Nam thì quan chức vẫn cho rằng, đấy là con số thấp.

Kể ra ông Nguyễn Văn Sơn là người “xui xẻo” so với hàng vạn quan chức khác. Mặc dù có người tố cáo, nhưng không vì thế mà luật lại quả không phổ biến.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)

Link tham khảo:

https://vnexpress.net/pho-chu-tich-huyen-nhan-giong-noi-cua-minh-trong-ghi-am-doi-lai-qua-4617494.html