Triệu hồi xe tại Mỹ mà không triệu hồi tại Việt Nam, VinFast xem thường mạng dân Việt?

Ngày 25/5 vừa qua, hãng tin Reuters đưa tin, Cục An toàn Giao thông Đường bộ Hoa Kỳ (NHTSA) cho biết, 999 chiếc xe VF8 của VinFast có lỗi phần mềm trên bảng điều khiển điện tử, khiến thông tin an toàn quan trọng không hiển thị được, và “có thể tăng rủi ro đâm xe”. Do đó, VinFast đã triệu hồi xe vì lỗi kỹ thuật này.

VinFast cho biết, hãng đã tự nguyện kêu gọi thu hồi các xe VF8 City Edition mà bảng điều khiển trống, không hiển thị khi xe đang chạy, hay đứng yên một chỗ. Việc VinFast triệu hồi trước khi Cục An toàn Giao thông Đường bộ Hoa Kỳ buộc họ phải làm, xem như một cách hãng quan tâm tới khách hàng, mặc dù việc quan tâm đấy là bắt buộc, vì nếu không làm thì cũng sẽ bị ép phải làm, lúc đó hãng còn mất uy tín hơn.

VinFast triệu hồi xe tại Mỹ, sao không làm điều tương tự tại Việt Nam?

Được biết, 700 chiếc VinFast trong số 999 chiếc, hiện vẫn nằm trong tay VinFast chứ chưa được giao cho khách hàng, hay các hãng dịch vụ thuê xe. Như vậy, tại Mỹ, xe VinFast được bán ra thị trường ít hơn lượng xe đã bán ở Việt Nam rất nhiều.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao VinFast triệu hồi xe tại Mỹ để sửa lỗi kỹ thuật, còn tại Việt Nam, VinFast không triệu hồi?

Được biết, xe VinFast tại Việt Nam bị phản ánh lỗi kỹ thuật rất nhiều, trong đó đã có trường hợp xe tự bốc cháy trên đường. Tuy nhiên, sau bao nhiêu phản hồi, vẫn không thấy VinFast thông báo triệu hồi để sửa lỗi sản phẩm của họ.

Với cách hành xử như vậy, cho thấy, VinFast coi thường sinh mạng người dân Việt Nam hơn người dân Mỹ.

Ông Vượng ước mơ đưa thương hiệu VinFast thành thương hiệu toàn cầu, thì ông phải thống nhất trên toàn cầu. Chất lượng thống nhất, chế độ hậu mãi thống nhất, trách nhiệm của hãng đối với khách hàng cũng thống nhất. Vậy thì, VinFast tại Mỹ được triệu hồi, thì tại sao xe VinFast tại Việt Nam không được triệu hồi? Điều này cho thấy, hãng VinFast của ông Phạm Nhật Vượng không những coi khinh khách hàng Việt Nam, mà ông còn không xây dựng được giá trị nền tảng thống nhất giữa thị trường quốc nội và thị trường thế giới.

Ô tô hiệu VinFast gây tai nạn liên hoàn, chưa biết lỗi kỹ thuật hay lỗi tài xế

Vào khoảng 16 giờ, tại ngã ba Cửu Long (thuộc khu phố Đồng An 3, phường Bình Hòa, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương, một ô tô 5 chỗ nhãn hiệu VinFast biển số Bình Dương, đã tông hàng loạt xe, kéo lê 3 xe máy đi cùng chiều, sau đó tông tiếp 2 ô tô đang đỗ bên lề đường bên phải. Vụ tai nạn này đang được cơ quan Công an điều tra về nguyên nhân, chưa biết do lỗi kỹ thuật của xe, hay do lỗi của tài xế. Tuy nhiên, việc VinFast của ông Phạm Nhật Vượng trọng thị trường Mỹ hơn thị trường Việt, đã làm cho một số người đặt câu hỏi, phải chăng vì VinFast vô trách nhiệm với khách hàng Việt Nam, mà để xảy ra những tai nạn như thế này?

Khi khách hàng bỏ tiền tỷ ra mua xe VinFast, thì cũng đừng nên để câu cửa miệng “mua VinFast là yêu nước” của đội ngũ dư luận viên, để rồi chuốc lấy những tai nạn không đáng có. Không phải ngẫu nhiên mà người dân Việt Nam bỏ tiền ra mua ô tô nhập từ Mỹ với giá đắt gấp nhiều lần ô tô cùng loại được lắp ráp ở Việt Nam. Bởi người ta muốn mua lấy sự an toàn, chứ chưa hẳn là sính ngoại.

Thực ra, những doanh nghiệp toàn cầu thì chất lượng cũng phải đồng nhất toàn cầu. Các hãng xe lớn trên thế giới đều làm như thế, có chăng, họ thay đổi một số linh kiện khi lắp ráp xe tại thị trường Việt Nam, để giảm giá thành, mà không ảnh hưởng đến chất lượng xe và đặc biệt là sự an toàn.

Cuộc chơi toàn cầu không dễ, VinFast dù mang quân sang Mỹ đánh vào thị trường lớn này, thì cũng phải xác định thị trường trong nước vẫn là nền tảng. Ông Vượng cũng cần phải đối xử công bằng giữa khách hàng Mỹ và khách hàng Việt. Có thế thì mới tạo sự an tâm cho khách hàng Việt Nam. Về lâu về dài, cần phải dựa vào chất lượng chứ không thể dựa mãi vào “lòng yêu nước” được.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)