Link Video: https://youtu.be/j_JXLlW3RtQ
Ngày 7/6, RFA có bài bình luận về chính trị – xã hội Việt Nam, “Khi lòng yêu nước bị “định hướng”.
RFA nhắc đến bài viết với tựa đề “Không thể phủ nhận ý nghĩa và giá trị của phong trào thi đua yêu nước”, được đăng trên Cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương hôm 6/6, có nhiều đoạn khẳng định “hùng hồn” về tinh thần thi đua yêu nước trong những thập kỷ qua tại Việt Nam.
RFA dẫn lời Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già hôm 7/6, cho rằng, yêu nước là điều bình thường của các dân tộc trên thế giới, chứ không riêng gì người Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nói:
“Tôi bác bỏ cái gọi là thi đua yêu nước, bởi vì khi đặt ra phong trào thi đua yêu nước sẽ dẫn tới chuyện tranh giành. Tôi cho rằng, lòng yêu nước thông qua cái gọi là “phong trào thi đua yêu nước” đã bị lồng ghép tính chính trị… Tuy nhiên khi chính trị hóa lòng yêu nước sẽ có những hậu quả khôn lường, và tôi cho rằng, nguy hại không có cách gì sửa chữa.”
Theo ông Già, hậu quả rõ ràng nhất là sau 1975, đến nay đã gần nửa thế kỷ, mà Việt Nam vẫn còn là một quốc gia xơ xác về nhân cách, với lòng thù hận ngút ngàn và sự chia rẽ xã hội trầm trọng, ông nói:
“Từ hậu quả của “lòng yêu nước định hướng” của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam, thì cho tới ngày hôm nay, Việt Nam chưa bao giờ có sự thống nhất nhân tâm.”
RFA dẫn lời một bạn trẻ ở Việt Nam cho biết:
“Mình nghĩ là đa số sinh viên hay các bạn trẻ ở Việt Nam hiện nay khá bàng quang với chính trị. Việc lo lắng hiện giờ của họ là việc học. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc Hội Thanh niên, thì mình nghĩ những tổ chức này hoạt động nhưng không hiệu quả lắm.”
Cũng bình luận về đề tài này, RFA dẫn lời cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói:
“Khái niệm thi đua chỉ tồn tại dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, còn những nước khác, tôi thấy không có khái niệm thi đua mà người ta vẫn phát triển. Tác dụng của nó tại thời điểm hiện nay chưa thấy ở đâu, nhưng mặt hại của nó rất là lớn.”
Ông Trí nêu một ví dụ về tác hại này, đó là bệnh thành tích.
Căn bệnh này không chỉ không có lợi cho xã hội mà còn gây ra những tác hại khủng khiếp, nhất là trong ngành giáo dục. Thậm chí, nó dẫn đến bạo lực học đường và tạo ra những thế hệ không có khả năng tư duy độc lập.
RFA cho biết, 75 năm trước, ông Hồ Chí Minh từng đưa ra lời kêu gọi thi đua ái quốc vào ngày 11/6/1948, và dẫn nhận xét của Giáo sư Nguyễn Đình Cống:
“Các phong trào thi đua hồi năm 1948 tạo ra là để động viên tinh thần cho người ta làm việc tốt hơn. Bởi vì cái hồi đó không có một cái quyền lợi, vật chất gì cả, lương bổng cũng rất ít. Động viên để mỗi người làm việc bằng hai, bằng ba, xong rồi thì người ta sẽ được bình bầu là lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng đơn vị…
Điều ấy đúng trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ. Chứ còn bây giờ, trong nền kinh tế thị trường mà anh vẫn còn dùng cái động lực ấy thì không đúng.”
Giáo sư Cống cho rằng, cái thi đua hiện này là một trò “bịp bợm nhiều hơn là thực chất”.
Còn Nhà báo Nguyễn Ngọc Già thì nhận định:
“Tôi cho rằng, hiện nay đang có một vấn đề nghiêm trọng trong bang giao với Trung Quốc. Bằng chứng là những ngày vừa qua, Trung Quốc quậy phá ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng hầu hết tôi không thấy một phản ứng gì từ phía người dân. Đó là câu trả lời cho lòng yêu nước đã bị chính trị hóa từ nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Bởi thực tế những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước đây có cái kết là người dân bị đàn áp, bị đánh đập, bị bắt bỏ tù rất nhiều và ai cũng sợ hết… Đó là sự thật, người dân bây giờ co cụm lại.”
Theo ông Già, hiện nay Kinh tế suy thoái, công nhân thất nghiệp hơn nửa triệu người, cuộc sống rất khó khăn… mà họ “xới” lại lòng yêu nước thì theo ông, chắc chắn thất bại. RFA cho hay.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc bị tố dùng TikTok để theo dõi người biểu tình Hong Kong
>>> Thủ tướng Campuchia cao giọng khi “nhờ” Việt Nam bắt giữ đối lập
>>> Có bao nhiêu ông Phạm Bá Hiền?
Chính phủ Đức lên tiếng về vụ bắt giữ bà Hoàng Thị Minh Hồng