Link Video: https://youtu.be/YIqlsZ0aLVQ
RFA Tiếng Việt ngày 2/6 loan tin “Khoảng 700 xe sầu riêng “mắc kẹt” tại cửa khẩu Trung Quốc – Việt Nam”.
Theo đó, hơn 700 xe nông sản, hầu hết là sầu riêng, bị lùi thông quan, mắc kẹt tại cửa khẩu Lạng Sơn, chờ xuất qua Trung Quốc.
RFA dẫn lời ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, cho truyền thông hay trong ngày 1/6, rằng, tình trạng xe nông sản của Việt Nam bị tồn tại cửa khẩu này diễn ra hơn một tuần qua. Ông Duy cũng cho biết, xe hàng bị tồn là do sầu riêng trong nước đang vào vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ được xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị.
Vẫn theo ông Duy, hiện năng lực thông quan tại năm cửa khẩu ở Lạng Sơn vẫn ổn định, với hơn 1.000 phương tiện mỗi ngày. Ban quản lý đã làm việc với phía Trung Quốc, yêu cầu hải quan Trung Quốc làm thêm giờ, tối ưu hóa việc kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Hữu Nghị và bố trí thêm nhân sự, để đẩy nhanh quá trình thông quan hàng sầu riêng qua cửa khẩu Tân Thanh.
Trước tình hình trên, RFA cho biết, tối 31/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã yêu cầu tám bộ cùng các địa phương, cơ quan liên quan, sớm tìm cách xử lý, thúc đẩy việc thông quan nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc.
Ông Chính qua đó, giao các đơn vị rà soát quy định về nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam – Trung Quốc; phối hợp với cơ quan chức năng nước này để đơn giản hóa các thủ tục, tăng thời gian, hiệu suất cho thông quan, nhằm tránh tình trạng hàng hóa bị ùn ứ, dễ hư hỏng trong điều kiện nắng nóng hiện nay.
Bên cạnh đó, RFA cho biết thêm, do sầu riêng đang vào vụ thu hoạch, hiện tại thị trường bán lẻ Việt Nam, giá sầu riêng Musang King (sầu riêng ngon nhất thế giới) chỉ còn 650 ngàn đồng/ 1 kg sầu riêng đã tách vỏ (27,68 USD), giảm một nửa so với đầu tháng 3.
Giá bán sỉ của nhà vườn miền Tây cho thương lái cũng đang giảm mạnh, chỉ khoảng 130.000 đến 150.000 đồng/1 kg, giảm 40% so với tháng trước.
RFA dẫn lời ông Đặng Mạnh Khương, đầu mối chuyên bán sầu riêng ở Cần Thơ, so với giữa tháng 3, giá sầu riêng đã giảm khoảng 50 – 70% tùy loại, chủ yếu vì nguồn cung dồi dào và Trung Quốc giảm thu mua.
Musang King có nguồn gốc từ Malaysia, đã được người dân khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long trồng thử nghiệm và cho trái ba năm nay. So với các năm trước, năm nay sản lượng Musang King tăng gấp 3 đến 5 lần.
Thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng Đông Nam Á, tuy nhiên, đây không phải là thị trường bền vững cho loại trái sầu riêng nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.
Đối với sầu riêng, truyền thông cho hay, Trung Quốc đã tiến hành trồng thử nghiệm ở đảo Hải Nam và sắp đến vụ thu hoạch vào tháng 6 tới. Ngoài ra, họ còn được Chính phủ Lào cho phép trồng sầu riêng tại Lào, nhằm tiêu thụ tại Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã cấp phép nhập khẩu chính ngạch cho Thái Lan, Malaysia và Philippines đối với mặt hàng này.
Do đó, thị phần xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị thu hẹp trong thời gian tới. Trên thực tế thì giá sầu riêng hiện đã giảm mạnh. Chính phủ Việt Nam cần có chính sách phát triển thị trường cho nông sản Việt Nam, không thể cứ mãi phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, rồi năm nào cũng tái diễn cảnh “được mùa mất giá”.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc còn tiềm ẩn rủi ro vì lệ thuộc vào tình hình chính trị giữa hai bên. Cứ mỗi khi Trung Quốc gây hấn trên biển, thì họ cũng làm khó nông sản Việt tại các cửa khẩu, như hạn chế nhập hàng, ngưng nhập hàng kéo dài ngày, khiến nông sản hư hỏng phải đổ bỏ. Những câu chuyện này đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm.
Nông dân Việt cũng cần thay đổi phương thức canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ để có thể đáp ứng những thị trường khó tính nhưng bền vững hơn như Nhật Bản, EU, Mỹ… Có như vậy mới thoát được sự phụ thuộc vào anh “bạn vàng” đểu cáng.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nếu Putin đến dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Nam Phi, liệu có bị bắt?
>>> Mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga ngày càng lớn theo sự bế tắc của Nga trong cuộc chiến Ukraine
>>> Bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng có động cơ chính trị
Việt Nam cần yêu cầu Trung Quốc bạch hóa yêu sách của họ ở Biển Đông