Con trai riêng bà Phương Hằng gửi đơn tố cáo Dũng “Lò Vôi”

Link Video: https://youtu.be/vOf1mRNHyOU

Theo RFA Tiếng Việt đưa tin ngày 30/5, Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển đơn tố giác ông Huỳnh Uy Dũng (còn gọi là Dũng “Lò Vôi”), của con trai riêng bà Nguyễn Phương Hằng, đến cho Công an TP. HCM giải quyết theo thẩm quyền. Trong đơn tố cáo, người bị hại (ông Nguyễn Quang Tuấn) tố giác ông Dũng có hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, trong đơn, ông Tuấn cũng đưa ra nhiều dẫn chứng cho thấy, ông Dũng đã thúc giục, ủng hộ tinh thần cho bà Phương Hằng thực hiện hành vi sai phạm.

Theo báo Dân Trí, bà Phương Hằng cùng với đồng phạm đã bị chính quyền buộc tội lợi dụng 12 kênh mạng xã hội livestream, để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều cá nhân. Để cải thiện uy tín và độ tin cậy cho những phát ngôn của mình, bà Phương Hằng đã mời ông Đặng Anh Quân, Tiến sĩ luật và giảng viên trường Đại học Luật TP. HCM, tham gia vào những buổi livestream. Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác, ông Quân đã cùng tương tác và góp phần cổ vũ tinh thần, góp thêm ý chí cho bà chủ Đại Nam.

Sau hơn một năm điều tra, vụ án này đến nay vẫn còn đang được Tòa án Nhân dân TP. HCM thụ lý.

Con trai bà Phương Hằng – ông Nguyễn Quang Tuấn – đã chia sẻ với truyền thông nhà nước rằng, dù vụ án này đã trải qua nhiều kết luận điều tra, nhưng ông Dũng vẫn chưa bị điều tra và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì hành vi của mình.

Theo RFA, ông Nguyễn Quang Tuấn còn đề nghị các cơ quan pháp luật Việt Nam ra lệnh phong tỏa, tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Huỳnh Uy Dũng, để bảo đảm quá trình điều tra, xử lý vụ việc.

Ông Nguyễn Quang Tuấn hồi tháng tư vừa qua đã khiếu nại với các cơ quan chức năng về việc bản thân ông không được Trại giam cho phép gặp bà Hằng tại nơi giam giữ; trong khi đó ông Huỳnh Uy Dũng thì lại được. Biện pháp này bị cho gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của anh em ông Nguyễn Quang Tuấn.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố và bị tạm giam từ ngày 24/3/2022 đến nay.

Hình: Bà Nguyễn Phương Hằng lúc bị bắt

Nhà chức trách xác định hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm đã phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.

Phiên tòa sơ thẩm dự kiến diễn ra vào đầu tháng sáu; nhưng sau đó Tòa án thành phố Hồ Chí Minh lại thông báo hoãn.

Trước đó, ông Sỹ Hồng Nam, Phó chánh Văn phòng Toà án Nhân dân TP. HCM, thông tin trên tờ VTCNews trong ngày 18/5 rằng, nguyên nhân dời ngày xét xử bà Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam, Bình Dương) vì thời gian dự kiến xét xử trùng với kế hoạch xét xử của nhiều vụ án đã lên lịch trước đó. Đồng thời, vụ án của bà Hằng có nhiều luật sư tham gia bào chữa nhưng chưa tiếp cận được hồ sơ.

Vào ngày 24/5, truyền thông nhà nước loan tin, bà Hằng từ chối tám luật sư do người thân của bà mời tham gia bào chữa cho bà tại tòa. Chỉ còn một luật sư được bà Hằng đồng ý, đó là Hồ Nguyên Lễ. Đơn từ chối luật sư của bà Hằng được gửi từ trại giam Chí Hoà ngày 17/5. Sau khi xem xét, Toà án Tp HCM đã ra thông báo cho các luật sư biết về phiên toà sắp tới. Được biết, các Luật sư này đều do người thân mời cho bà

Theo Khoản 2, Điều 331, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định, khung hình phạt từ 2 năm tù đến 7 năm tù đối với tội này.

Năm ngoái, 7 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức, đồng soạn thảo một kiến nghị, yêu cầu bãi bỏ 3 điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó có Điều 331, vì cho rằng, nó quá mơ hồ và kết tội bừa bãi người dân.

Điều 331 là điều khoản mà nhà nước Cộng sản thường sử dụng để đàn áp người bất đồng chính kiến. Vụ án bà Nguyễn Phương Hằng là vụ đầu tiên mà điều khoản này được áp dụng trong một vụ án dân sự. Điều này cho thấy, nhà cầm quyền đang ngày càng mở rộng phạm vi hình sự hóa các mối quan hệ dân sự.

Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đặc quyền nào cho Đại tướng Tô Lâm?

>>> Việt Nam đối mặt với thách thức thu hút đầu tư khi giá trị thuế tăng cao

>>> 60 người trong vụ người Việt được giải cứu tại Philippines đã về nước

Việt Nam cần thay đổi để tránh sụp đổ