Link Video: https://youtu.be/BtJex_BloLU
RFA Tiếng Việt ngày 12/5 loan tin, “Mỹ kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam, ca ngợi những người lính đã chiến đấu” tại Việt Nam.
Theo đó, nước Mỹ vừa tiến hành lễ kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến Việt Nam bắt đầu từ ngày 11/5 vừa qua ở Washington DC, và dự định kéo dài ba ngày, với sự tham gia của các giới chức Quốc phòng và các cựu chiến binh từng có mặt ở Việt Nam.
RFA cho biết, buổi lễ trong ngày đầu tiên được diễn ra ở Trung tâm Quốc gia nơi có Đài tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam, đánh dấu 50 năm người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam vào năm 1973.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro có mặt tại buổi lễ, ca ngợi những cựu binh đã tham chiến ở Việt Nam, đến từ Úc, New Zealand, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan, cảm ơn họ đã sát cánh cùng lính Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam.
“Chúng ta, một quốc gia, nên dành thời gian tập trung vào giai đoạn này trong lịch sử của đất nước mình và đặc biệt phải cảm ơn những người xứng đáng nhất trong các công dân của chúng ta, đó là những cựu binh Việt Nam. Đó không chỉ là điều đúng đắn mà còn hoàn toàn cần thiết mà chúng ta phải làm” – Bộ trưởng Carlos Del Toro phát biểu tại buổi lễ. RFA cho hay.
Cũng theo RFA, Mỹ đã gửi khoảng 550.000 lính đến tham chiến tại Việt Nam vào đỉnh điểm của cuộc chiến, theo số lượng của Chính phủ Mỹ. Trong số các đồng minh gửi nhiều quân nhất đến tham chiến cùng Mỹ ở Việt Nam, có Hàn Quốc với khoảng 350.000 quân, Australia với khoảng 60.000 quân.
Cuộc chiến chính thức kết thúc vào ngày 30/4/1975, khi hai miền Nam và Bắc Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, cuộc chiến đã khiến ít nhất hai triệu người Việt và 58.000 người Mỹ bỏ mạng.
RFA cho biết thêm, buổi lễ được tổ chức với việc trưng bày các hiện vật thời chiến tranh Việt Nam, bao gồm các máy bay trực thăng thời đó. Khoảng 200 tấm biển được dựng lên quanh khu vực Đài tưởng niệm Lincoln, với hình ảnh và tên của những người lính Mỹ chưa được tìm thấy sau chiến tranh.
Theo RFA, Washington Post dẫn lời người phát ngôn của tổ chức Vietnam War Commemoration cho biết, đã có khoảng 1.000 đến tham quan vào sáng ngày 11/5.
RFA nhận xét, Hà Nội thường rất nhạy cảm với việc các nước đồng minh của Mỹ kỷ niệm cuộc chiến và vinh danh những người lính của họ đã ngã xuống.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Australia phải dừng lưu hành đồng tiền hai đô la Úc có hình cờ Việt Nam Cộng Hoà, được Úc phát hành nhân kỷ niệm 50 năm kết thúc cuộc chiến, vì cho rằng, nó không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp và mối quan hệ chiến lược hai nước.
Cuộc chiến ở Việt Nam thường được truyền thông phương Tây gọi là “Chiến tranh Việt Nam” hoặc “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai“. Trong khi đó, Việt Nam Cộng sản gọi là “Kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Chiến tranh Việt Nam được Mỹ coi là bắt đầu từ ngày 1/11/1955, khi Nhóm chuyên gia hỗ trợ quân sự Mỹ tại Việt Nam được thành lập. Còn với phía Việt Nam Cộng sản, cuộc chiến này bắt đầu kể từ năm 1947, khi Mỹ bắt đầu viện trợ cho Pháp, để Pháp tiếp tục tham chiến ở Việt Nam.
Cuộc chiến này, với Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thì là cuộc chiến tranh giữa hai hệ tư tưởng: Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa chống Cộng. Chính phủ Mỹ muốn ngăn chặn sự lan rộng của Chủ nghĩa Cộng sản tại Đông Nam Á.
Phía Cộng sản Việt Nam, bao gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, cho rằng, đây là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhằm giành độc lập, thống nhất đất nước, cải thiện dân sinh, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Có một quan điểm khác cho rằng, đây là cuộc chiến ủy nhiệm, giữa một bên là Mỹ, và bên kia là Liên Xô và Trung Quốc.
Tuy nhiên, xét trên quan điểm nào, thì dù chiến tranh đã kết thúc gần 50 năm, những chia rẽ và thù hận giữa những người Việt Nam với nhau vẫn còn đó.
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Chính phủ thời Thủ tướng Chính, từ bại đến liệt
>>> Lê Minh Hưng – Vương Đình Huệ, liên thủ Nghệ – Tĩnh, chính trị đập nát kinh tế
>>> Với tuyệt chiêu “hốt cóc”, Tô Đại tướng vẫn không hạ nổi một “bóng hồng”
>>> Hội nghị TW7: Ông Tổng vung gươm “chém”, Thủ tướng học Ba Dũng vung tay đỡ?
Nhà hoạt động Nguỵ Thị Khanh được thả tự do trước thời hạn.