Có thể nói, cho đến nay, vụ án chuyến bay giải cứu đã vượt qua vụ Việt Á về mức độ quy mô và mức độ nghiêm trọng.
Mới đây, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin chấn động, trong số 54 bị can của vụ án, có đến 18 người bị truy tố tội “nhận hối lộ” theo Khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 20 năm tù, đến chung thân hoặc tử hình. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố 54 bị can này để chuẩn bị đưa ra xét xử.
18 người bị truy tố với mức án nặng, trên tổng số 54, chiếm đến 33% số bị can. Những người khác bị cáo buộc phạm một trong các tội: đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Có 21 quan chức đã nhận hối lộ với tổng số tiền gần 180 tỷ đồng trong vụ án này, bao gồm: Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 37 lần, với tổng số 21,5 tỷ đồng; Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, nhận hối lộ 5 lần, với tổng số hơn 4,2 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ 32 lần, với tổng số hơn 25 tỷ đồng; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhận hối lộ 253 lần, với tổng số hơn 42,6 tỷ đồng; Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, nhận hối lộ 7 lần, với tổng số hơn 2 tỷ đồng; Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 9 lần, với tổng số 5 tỷ đồng.
Với số lượng người bị đề nghị ở khung hình phạt lên đến mức án tử hình nhiều như vậy, có thể nói, lần này ông Nguyễn Phú Trọng ra tay rất nặng.
Với tình hình toàn Đảng tham nhũng, tầng tầng lớp lớp, có thể khẳng định rằng, ông Nguyễn Phú Trọng không thể diệt hết tham nhũng mà ông chỉ có cách là ra tay thật nặng để răn đe những thành phần chưa bị lộ. Ở các nước văn minh, không thể có hiện tượng tham ô trục lợi thành hệ thống như thế. Về quy mô quá lớn, và chân rết bám khắp nơi trên thế giới. Đại sứ quán Việt Nam ở nhiều nước tham gia vào trò trục lợi trên sự bế tắc của đồng bào.
Với mức án đề xuất cao như vậy, thì có thể nói, nó sẽ tạo hiệu ứng vô cùng tiêu cực cho bộ máy nhà nước cũng như bộ máy Đảng. Vấn đề này Thoibao.de đã nói ở bản tin trước, phản ứng phụ của liều thuốc mạnh này, là chứng tê liệt đang diễn ra tại các cơ quan cấp tỉnh. Không những tại các tỉnh thành cả nước, mà ngay trong Chính phủ, triệu chứng này cũng đang lan rộng. Nguồn tin riêng của Thoibao.de đã cung cấp thông tin này.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn săm soi về việc nghẽn nguồn vốn đầu tư công. Đã có lãnh đạo cấp bộ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu kiểm điểm về tình trạng làm nghẽn vốn đầu tư công. Đây là hướng đánh, mà theo đánh giá của một nhà quan sát giấu tên, là rất hiểm. Bởi từ nửa nhiệm kỳ qua, ông Phạm Minh Chính đã thể hiện rằng, ông là người rất yếu trong vấn đề khai thông vốn đầu tư công.
Với lần ra tay “đồ sát” đối với vụ chuyến bay giải cứu, ông Nguyễn Phú Trọng đã đè áp lực lên vai quan chức các cấp. Hiện nay quan chức không dám làm gì, vì sợ sai, sợ bị bắt bớ. Như vậy, thời gian tới, tình trạng đóng băng bộ máy hành chính sẽ càng trầm trọng hơn. Những mức án được đề xuất, thậm chí là án tử hình, đã đem đến cho giới quan chức một sự đe dọa, mà họ không cách nào xem nhẹ được.
Khi bộ máy chính quyền mà ù lì, thì không biết, gói 120 ngàn tỷ bắt đầu triển khai, làm sao thông suốt được?
Rất khó để thúc cấp dưới phải làm việc, trong khi, nếu có sai phạm thì bên trên lại đổ lỗi xuống cho cấp dưới. Ai dám liều? Những người bị đề nghị mức án kịch khung được xác định không phải là trùm cuối. Vậy thì làm lính triển khai dự án, cực kỳ rủi ro. Có thể nói, tình hình thế này làm cho ông Phạm Minh Chính “vã mồ hôi hột”.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)