Nga suy yếu khiến Việt Nam phải tìm đến Mỹ

Link Video: https://youtu.be/vhTNeSO6QMk

Ngày 17/4, RFI Tiếng Việt có bài phỏng vấn Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Honolulu, Hawaii, Hoa Kỳ. Bài phỏng vấn có tựa đề “Nga hụt hơi xích gần với Trung Quốc buộc Việt Nam cân nhắc nâng cấp quan hệ với Mỹ?”

Theo RFI, Hoa Kỳ và Việt Nam liên tục có những hoạt động thắt chặt quan hệ song phương trong thời gian gần đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden điện đàm vào ngày 29/03. Ngoại trưởng Blinken có chuyến công du đầu tiên đến Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 16/4. Trước đó một tuần là một phái đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Và từ 21 – 23/3 là một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, Việt Nam dường như chưa sẵn sàng đáp ứng mong muốn của Mỹ, theo đánh giá của giáo sư Alexander Vuving, là do 2 yếu tố là Nga và Trung Quốc.

Giáo sư Alexander Vuving cho rằng, bối cảnh lớn nhất của các hoạt động ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay là cuộc xâm lược Ukraina của Nga và những địa chấn chính trị của nó.

Cuộc xâm lược Ukraina của Nga đã đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Thế giới đi vào một thời kỳ mới, trong đó, cạnh tranh nước lớn là chủ đạo, hợp tác nước lớn vẫn tồn tại nhưng chỉ là thứ yếu.

Cạnh tranh nước lớn, trước hết là giữa Mỹ một bên và Nga với Trung Quốc ở bên kia. Điều này khiến cho toàn bộ cấu trúc quan hệ đối ngoại của Việt Nam bị lung lay. Sau Chiến tranh Lạnh, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, bao gồm cả Trung Quốc, Mỹ và Nga. Nhưng cuộc chiến Ukraina đã khiến Nga và phương Tây trở nên thù địch. Nếu Việt Nam tăng cường quan hệ với bên này thì sẽ mất lòng bên kia.

Đồng thời, quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi, mà Việt Nam lại nằm ngay ở “đường đứt gãy” trung tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ.

Do đó, những hoạt động ngoại giao gần đây giữa Mỹ và Việt Nam chỉ là cố gắng của Việt Nam, nhằm giữ thế cân bằng cho “con thuyền” của mình giữa cơn phong ba địa – chính trị của khu vực và thế giới.

Giáo sư Alexander Vuving cho rằng, cả Mỹ và Việt Nam đều muốn tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế. Còn hợp tác quốc phòng, do sự nhạy cảm của nó đối với các quan hệ nước lớn khác, nên nhiều khi hai nước phải đi đường vòng hoặc có lúc tiến lúc lùi thay vì đi thẳng và liên tục tiến.

Hình: Bài trên RFI

Năm nay, hai nước Việt – Mỹ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện”. Thông điệp lớn nhất của phía Mỹ, thông qua các hoạt động ngoại giao, là chính quyền Mỹ, bao gồm cả hành pháp và lập pháp, cũng như giới kinh doanh, đều muốn nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược”. Bởi trong bối cảnh Mỹ muốn giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam càng trở nên quan trọng.

Giáo sư Alexander Vuving cho biết, chủ trương lâu dài của Việt Nam là thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” với tất cả các nước lớn trong Thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Tuy nhiên, sau khi Nga xâm lược Ukraina khiến quan hệ Nga – Mỹ trở nên thù địch, Việt Nam quyết định đóng băng vấn đề nâng cấp quan hệ với Mỹ, để chứng tỏ cho Nga thấy là, Việt Nam không đi với Mỹ để chống Nga.

Phản ứng của Trung Quốc cũng là một vấn đề khiến Việt Nam phải lo ngại, nhưng Giáo sư cho rằng, yếu tố này không đủ lớn để làm Việt Nam chùn bước. Bởi với sự gia tăng chống phá Việt Nam của Trung Quốc, thì Việt Nam cần Mỹ để đối trọng với Trung Quốc.

Giáo sư Alexander Vuving phân tích, Nga xích lại gần Trung Quốc là điểm bất lợi lớn đối với Việt Nam. Nga không chỉ là nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho Việt Nam, mà các công ty dầu khí Nga còn đóng vai trò quan trọng trên tuyến đầu bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông.

Nay Nga suy yếu về kinh tế, quân sự và ngoại giao, phải dựa vào Trung Quốc nhiều hơn, thì tức là cán cân lực lượng giữa các cường quốc đã có sự thay đổi đáng kể. Điều này cũng khiến cấu trúc đối ngoại của Việt Nam mất cân bằng.

Xu hướng dài hạn là Nga sẽ khó lòng khôi phục vị thế và sức mạnh trước cuộc xâm lược Ukraina và nhiều khả năng Nga sẽ sa lầy tại Ukraina, tiếp tục đối đầu với Mỹ, tiếp tục xích lại gần Trung Quốc. Do đó, Việt Nam phải có những bước đi mạnh mẽ hơn về phía Mỹ, vì những bước đi về phía Nga sẽ không đủ để bù đắp sự “hụt hẫng” của “chân” Nga, mà nay có thể sẽ bị dính với “chân” Trung Quốc phần nào.

Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vì sao mất nước?

>>> Vietnam Airlines chưa hoàn thành báo cáo tài chính: Nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu

>>> Ngoại trưởng Mỹ “không hay biết” việc Việt Nam trục xuất công dân Nga phản đối chiến tranh Ukraine

>>> Võ Văn Thưởng có phải người kế nhiệm chức Tổng Bí thư?

Cần chấm dứt “săn lùng” người tị nạn tại Thái Lan