Link Video: https://youtu.be/xh-BbraIU_g
Chính quyền thành phố Hội An mới đây đã đã công bố việc bán vé vào khu phố cổ, theo đó, giá vé cho khách quốc tế là 120.000 đồng/vé, khách nội địa là 80.000 đồng/vé, bắt đầu từ ngày 15/5/2023.
Phát biểu với truyền thông trong nước, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hội An cho rằng, toàn thể cảnh quan khu phố cổ đều là di sản, chứ không riêng một di tích nào. Nguồn thu từ bán vé sẽ phục vụ cho việc trùng tu di sản, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, hỗ trợ người dân trùng tu cải tạo nhà.
Tuy vậy, dư luận vẫn không ủng hộ quyết định này, xem đây là tận thu và tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam.
Đài RFA Tiếng Việt ngày 5/4 có bài viết về đề tài này với tựa đề “Quy định sẽ thu phí vào phố cổ Hội An gây “bão” trên mạng xã hội”.
Bài viết dẫn quan điểm của nhà thơ Liêu Thái ở Đà Nẵng, cho rằng, việc thu tiền vào cổng nó cho thấy một thói quen, một văn hóa rất tủn mủn.
“Một thành phố du lịch có văn hóa thì người ta luôn luôn mở cửa thu hút khách, hấp dẫn khách bằng nhiều cách, để khách tự bỏ tiền ra tiêu xài, chứ không phải chận họ lại thu tiền từ cửa. Điều đó chứng tỏ sự thất bại.”
Nhà thơ Liêu Thái nói thêm:
“Nói cho cùng, nếu như nhà lãnh đạo, nhà quản lý của thành phố họ có lòng tự trọng thì họ phải suy nghĩ, phải tự hỏi mình đã làm được gì cho thành phố. Bởi vì thực tế, Hội An là một khu đô thị, khu cảng thị của người Bồ Đào Nha, người Trung Hoa và người Nhật Bản, đặc biệt là người Nhật Bản, xây dựng lên ở đời nhà Nguyễn. Và người ta biến một khu đất vắng vẻ thành một thương cảng sầm uất nhất của Việt Nam thời đó.
Đến năm 1975, thị xã Hội An trở thành một nơi hoang vắng. Người dân thì đi buôn ve chai, trồng khoai trồng rau. Không ai làm du lịch cả. Mãi đến những năm 90, kiến trúc sư Kazik đã đến Hội An để tìm hiểu và bỏ thời gian trình hồ sơ lên UNESCO để được công nhận đây là một di sản văn hóa thế giới. Hội An khởi sắc từ đó.
Có nghĩa rằng, xây dựng Hội An là người nước ngoài. Phục chế Hội An, thổi hồn trở lại cho Hội An phục sinh cũng là người nước ngoài. Như vậy thì người trong nước mình làm được gì ngoài cái việc ngồi thu tiền?”
Ở chiều quan điểm ngược lại, nhà báo Minh Hải, một người dân Hội An, đồng tình với chuyện bán vé vào cửa.
Nhưng ông Hải nói với RFA rằng, ông không đồng ý với cách xử lý của chính quyền nơi đây về mặt truyền thông.
“Tại vì ở Hội An sau ba năm dịch không có du khách, cho nên khi hoạt động lại họ giảm 50 % giá vé. Bây giờ người ta thu lại là chuyện bình thường. Vấn đề là chính quyền họ yếu về xử lý truyền thông. Mười năm nay họ đã thu phí rồi. Nếu không có tiền đó thì làm sao họ có tiền để bảo tồn di sản cho mọi người tham quan?
Cái sai của chính quyền Hội An là đã không giải thích rõ. Không mời truyền thông cũng như các công ty du lịch, lữ hành đến làm việc để đưa ra một câu chuyện mới sau đại dịch COVID-19. Nếu có báo chí thì sẽ có những câu hỏi thì mọi chuyện sẽ được giải thích cặn kẽ. Chính quyền xử lý quá yếu kém.”
RFA dẫn tiếp lời ông Ly, chủ Công ty du lịch Hội An Daily Tour cho biết, chuyện du khách phải mua vé vào tham quan khu phố cổ không phải bây giờ mới có, chỉ có điều du khách không biết vì nó nằm trong giá tour.
“Xưa giờ đã bán vé rồi. Các công ty lữ hành có trách nhiệm và nghĩa vụ mua vé. Mọi người không hiểu cho nên mọi người lên mạng xã hội nói nhiều thứ, chứ nếu không mua vé thì tiền đâu để họ bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng, vệ sinh phố cổ?”
Theo RFA, cơ quan chức năng, phía đồng thuận và phía phản đối biện pháp thu vé tham quan phố cổ Hội An đều có lý lẽ của họ. Cách thực hiện sao cho khôn khéo, hiệu quả tùy thuộc vào năng lực và thực tâm của nhà quản lý, cả ở cấp địa phương và trung ương, trong ngành công nghiệp “không khói’ này tại Việt Nam.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Thủ tướng Chính “cưỡi lưng cọp”, Tổng Trọng tọa sơn quan hổ… thịt?
>>> Tưởng “chị đại” Phương Hằng ngã ngựa, “vua Đàm” và “nữ hoàng từ thiện” đòi 88 tỷ!
>>> Hải Phòng, Lê Văn Thành xây, nhóm Tây Ninh phá. Lê Tiến Châu đốt tiền hoang phí!
>>> Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng từ hầm tránh rốc-két trồi lên. An toàn rồi chăng?
Chùa Thiên Quang bị yêu cầu tháo dỡ, vì “không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam”