So găng Trần Quốc Tỏ và Lương Tam Quang

Ông Trần Quốc Tỏ là người Ninh Bình, là em trai ông Trần Đại Quang – cố Chủ tịch nước. Ông Lương Tam Quang quê ở Hưng Yên, cùng quê với ông Tô Lâm. Cả hai ông, Trần Quốc Tỏ và Lương Tam Quang đều là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an. Điều đáng nói là hai ông này đều lên Thượng tướng cùng một ngày. Hiện nay, cả hai ông này đều là ủy viên Trung ương Đảng, nói chung là cả hai đều đứng trước cơ hội vào Bộ Chính trị.

Thực ra, khi ông Trần Quốc Tỏ nhận chức Thứ trưởng Bộ Công an vào năm 2020, ông ta chỉ có quân hàm Thiếu tướng, trong khi đó, ông Lương Tam Quang đã mang quân hàm Trung tướng. Ngược lại, ông Trần Quốc Tỏ là Ủy viên Trung ương Đảng 2 khóa, gồm khóa 12 và khóa 13, trong khi đó, ông Lương Tam Quang chỉ mới là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13.

Ông Trần Quốc Tỏ – Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an

Điều đáng nói là từ năm 2020 đến 2022, ông Trần Quốc Tỏ thăng hai cấp hàm tướng, trong khi đó, để được thăng cấp hàm tướng không thể dưới 3 năm. Vậy là ông Trần Quốc Tỏ đã được thăng hàm vượt cấp, điều này cho thấy, đang có bàn tay từ bên trên muốn cơ cấu cho ông Trần Quốc Tỏ kế nhiệm ông Tô Lâm ở vị trí Bộ trưởng Bộ Công an.

Còn nhớ, tháng 8/2002, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI, ông Lê Hồng Anh được Quốc hội phê chuẩn, giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, trong khi đó, ông này không hề là người trưởng thành từ ngành Công an. Ông không hề mang bất kỳ cấp bậc quân hàm nào trước đó cho tới khi được bổ nhiệm. Tuy nhiên, đến ngày 9/1/2005, ông Lê Hồng Anh được phong cấp hàm Đại tướng Công an nhân dân một cách khó hiểu, như là cách để giúp ông này chiếm giữ vị trí đứng đầu Bộ Công an. Đây rõ ràng là sự tranh giành lộ liễu giữa các phe cánh, để chiếm giữ bộ mang tính quyết định sức mạnh chính trị cho nhóm.

Trường hợp đối với ông Trần Quốc Tỏ, tuy không lộ liễu như trường hợp ông Lê Hồng Anh, nhưng rõ ràng nó là trường hợp cơ cấu. Hiện nay, ông Trần Quốc Tỏ đang là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, trong khi đó, ông Lương Tam Quang chỉ là Thứ trưởng bình thường. Vị trí thường trực thường là vị trí chuẩn bị thay thế cho vị trí Bộ trưởng.

Về phần ông Tô Lâm thì Trần Quốc Tỏ không phải là người chung xuồng với ông. Trước đây, khi còn là Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Tô Lâm đã không cùng xuồng với cấp trưởng của ông là ông Trần Đại Quang. Ông Quang không ưa ông Trọng, tuy nhiên, Tô Lâm vẫn bắt tay với ông Trọng, để sau khi ông Quang rút khỏi vị trí Bộ trưởng, thì Tô Lâm trám vào.

Theo đánh giá của giới thạo tin, dù ông Lương Tam Quang được ông Bộ trưởng Tô Lâm hậu thuẫn, nhưng rất khó lật được Trần Quốc Tỏ. Bởi xét về quá trình công tác, ông Tỏ từng được thuyên chuyển về địa phương làm Bí thư tỉnh. Đây là bước chuẩn bị để ông Tỏ sẽ lên vị trí cao hơn.

Ông Lương Tam Quang hiện nay 58 tuổi, Trần Quốc Tỏ 61 tuổi, có lẽ, ông Tỏ sẽ là người nắm ghế Bộ trưởng sau khi ông Tô Lâm về hưu, nếu không có gì thay đổi. Trong Bộ Công an cũng lắm phe phái, các phe này cứ đan xen lẫn nhau, lúc này phe này thịnh thì lúc khác lại phe khác thịnh.

Có ý kiến cho rằng, trong việc bầu Chủ tịch nước vừa qua, không ai mong ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước bằng ông Trần Quốc Tỏ. Bởi chỉ cần ông Tô Lâm rời khỏi ghế Bộ trưởng, thế lực Trần Đại Quang sẽ trở lại ngoạn mục và rất có thể, lúc đó, Bộ Công an không được “dễ bảo” như hiện nay đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Thời Trần Đại Quang, cánh Ninh Bình làm chủ Bộ Công an, thời ông Tô Lâm làm Bộ trưởng thì cánh Hưng Yên làm chủ Bộ Công an. Trong thời gian làm Bộ trưởng, Tô Lâm nâng đỡ đồng hương của ông rất nhiều, trong đó có Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc. Xem ra, ông Tô Lâm đã nâng đỡ thế hệ sau của Hưng Yên, nhưng không kịp để tiếp quản, bởi cả Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc còn thiếu lực khá nhiều.

Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)