Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang nắm Bộ Công an và đây cũng là con át chủ bài trong ván cờ quyền lực của ông. Còn lại, Bộ Quốc phòng hiện nay là nơi tranh chấp ảnh hưởng giữa ông Tổng Bí thư và ông Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách là Bí thư Quân ủy Trung ương thì ông là người có quyền cao nhất trong quân đội. Tuy nhiên, thực tế ông Trọng không thể kiểm soát hết Bộ Quốc phòng. Bởi Bộ Quốc phòng như là một nhà nước riêng, với quân đội chính quy lẫn quân đội địa phương rất đông đảo và phức tạp.
Chưa có bộ nào có ngân sách lớn như Bộ Quốc phòng, và cũng chưa có bộ nào có số lượng ủy viên Bộ Chính trị và ủy viên Trung ương Đảng đông đảo như Bộ Quốc phòng. Hiện nay, Bộ Quốc phòng có 2 ủy viên Bộ Chính trị và 20 ủy viên Trung ương Đảng. Trong số đông nhân sự cấp cao Bộ Quốc phòng, người thì ở phe này, người ở phe kia, rất phức tạp.
Hiện nay, cả ông Tổng Bí thư và ông Thủ tướng đều là những nhân vật có ảnh hưởng lớn lên Bộ Quốc phòng. Ông Nguyễn Phú Trọng nắm vững bên Tổng Cục Chính trị, ông Phạm Minh Chính có quan hệ gần gũi với Bộ Tổng Tham mưu và Tổng Cục Tình báo Quân đội. Nhờ mối quan hệ này mà thế của ông Phạm Minh Chính khá vững.
Vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định là vụ án tham nhũng, là những hợp đồng của công ty AIC của bà Nhàn với các chính quyền tỉnh. Thoạt trông có vẻ không liên quan gì đến quân sự, nhưng thực chất, những sai phạm trong đấu thầu của AIC với các chính quyền tỉnh chỉ là bề nổi của vấn đề, phần chìm còn lại là liên quan đến Tổng cục Tình báo Quân đội và các hợp đồng mua bán vũ khí với Israel. Đây là điểm mà ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn tấn công vào thành trì quyền lực của ông Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Tô Lâm lại bất lực trong việc bắt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về quy án, nên không thể làm được gì ông Thủ tướng.
Thực ra, trong quân đội không phải chia làm 2 phe mà là rất nhiều phe. Phe ông Tổng và phe ông Thủ tướng là hai phe mạnh nhất. Phe ông Tổng được cho là khá sạch, còn phe ông Thủ tướng được cho là liên quan đến nhiều hợp đồng lớn.
Mâm nào có mùi tiền thì dù là công an hay quân đội cũng muốn xí phần. Vụ án Việt Á dính đến Học viện Quân y và ngày 8/3, Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng cũng khởi tố vụ án và bắt tạm giam Thượng tá Hồ Anh Sơn, Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, thuộc Học viện Quân y.
Theo luật thì những quan chức quân đội phạm tội thì cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng xử lý, Bộ Công an không thể nhúng tay vào. Cho nên, đây cũng là cách mà Bộ Quốc phòng “đóng cửa bảo nhau”, không để cho câu chuyện nó lở loét ra đến hồi không thể cứu chữa.
Mới đây báo chí cho biết, quá trình điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phát hiện hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng, nên đã tách hành vi, chuyển tài liệu để bộ này điều tra. Đây chỉ là thông báo của Bộ Công an, tuy nhiên, quyền hạn xử lý quan chức Bộ Quốc phòng lại không thuộc thẩm quyền của Bộ Công an.
Khi Bộ Công an khui ra, thì Bộ Quốc phòng có ra tay “dọn rác” hay không, thì tùy thuộc vào ông Nguyễn Phú Trọng. Chỉ có ông, với tư cách là Bí thư Quân ủy Trung ương mới đốc thúc Bộ Quốc phòng đại phẫu. Còn nếu ông không làm gì, thì e, đấy là người của phe ông dính chàm.
Hãy đợi xem, vụ chuyến bay giải cứu có làm cho quan chức nào trong Bộ Quốc phòng xộ khám hay không? Bởi ông Trọng đang được tiếng thơm chống tham nhũng, nhưng không phải ông đánh tham nhũng một cách công bằng, mà ông đánh “có chọn lọc”.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo: