Việc vội vã thả 4 nữ tiếp viên hàng không của Công an TP. HCM là câu chuyện nổi cộm suốt nhiều ngày qua. Từ việc bắt người chấn động, rồi thả người nhanh chóng, làm cho mạng xã hội dậy sóng. Vấn đề này rõ ràng là không bình thường.
Việc trích dẫn luật pháp cho trường hợp này quả là không khó. Mạng xã hội đã dẫn ra điều luật vận chuyển ma túy tổng hợp, với mức trên 2kg mỗi người, thì có mức án như thế nào? Vậy mà ông Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. HCM lại cho thả người dễ dàng đến như vậy.
Thật ra chuyện thả người của Công an TP. HCM là chuyện sai mười mươi. Chính hành động này đã khiến cho nhiều nhà quan sát nghi ngờ rằng, đây không phải là vụ án bình thường, mà có thế lực chính trị tham gia. Việc thả một nhóm nghi phạm khi chưa điều tra kỹ lưỡng, chưa lôi ra được kẻ chủ mưu đằng sau, là cách làm của người chịu áp lực. Mà gây áp lực được cho một Thiếu tướng Giám đốc Công an của Thành phố lớn nhất đất nước, thì người đó không thể nhỏ hơn Ủy viên Bộ Chính trị. Không khó để nhận ra, có quyền lực ngầm điều khiển vụ này.
Việc thả 4 cô tiếp viên hàng không đã đẩy ông Lê Hồng Nam và thế kẹt, thả thì làm sao ăn nói với dư luận, nếu không thả thì làm sao sống cho yên với áp lực bắt phải thả. Đứng giữa 2 áp lực, hoặc chà đạp luật pháp, hoặc gây thù chuốc oán với ai đó, thì ông Lê Hồng Nam đã chọn chà đạp lên luật pháp.
Với việc chà đạp lên luật pháp trắng trợn như thế, ông Lê Hồng Nam cũng khó có thể yên thân với dư luận. Việc chà đạp lên luật pháp thì đã rõ, và dư luận cũng đang tấn công dữ dội vào quyết định của Công an TP. HCM. Giờ đây, ông Lê Hồng Nam lại chỉ đạo cho Công an TP. HCM đối phó với dư luận.
Ngày 24/3, Trang Thông Tin Chính phủ đã có đăng một dòng trạng thái có nội dung “VỤ 4 NỮ TIẾP VIÊN VIETNAM AIRLINES XÁCH MA TÚY: VẪN ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRA”. Được biết, người thông báo tin này là ông Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP. HCM. Đây là cách chữa cháy của Công an TP. HCM trước dư luận. Điều đáng nói ở đây là, Trang Thông tin Chính phủ đăng lời thanh minh này, điều đó cho thấy, Trung ương đang giúp Công an TP. HCM gỡ rối trước dư luận, chứ không phải đúng như lời của ông Lê Mạnh Hà nói.
Hiện nay 4 tiếp viên hàng không đã bị Vietnam Airline cho nghỉ việc. Tuy nhiên, chuyện 4 nữ tiếp viên bị sa thải đấy không quan trọng, mà quan trọng là, Công an TP. HCM sẽ xử lý 4 người này như thế nào. Thái độ của 4 người này cũng có thể nói lên vấn đề của vụ án.
Tội vận chuyển ma túy là tội rất nặng, có nguy cơ bị tử hình. Hơn nữa, trong vụ án này, số lượng ma túy đã vượt quy định. Nếu là một thường dân vận chuyển ma túy với khối lượng tương tự, nếu được Công an thả, thì ắt họ sẽ tìm cách trốn đi. Vì biết đâu khi Công an đổi ý bắt lại, thì họ lại vướng án chung thân hoặc tử hình thì sao? Còn nếu 4 tiếp viên này không bỏ trốn mà vẫn ung dung sống tại nhà họ, thì có thể nói, họ tự tin với thế lực đang bảo kê cho họ.
Nếu ông Lê Hồng Nam cho bắt người trở lại, thì ông sẽ xóa được sự nghi ngờ của dư luận. Vậy thì tại sao ông Nam không bắt lại, mà tiếp tục cho họ tại ngoại, để rồi vụ án này có nguy cơ mất đầu mối, nếu 4 nghi phạm này cao chạy xa bay.
Thực ra, đây là một vụ án rất bất bình thường, hành động của Công an TP. HCM trong những thời gian tới sẽ tiết lộ thêm về những uẩn khuất đằng sau vụ án. Việc Hải Quan bắt người có chuẩn bị báo chí hùng hậu, điều đó cho thấy, Hải Quan đã biết, việc bắt đường dây này liên quan đến thế lực nào. Chính cách họ chuẩn bị báo chí hùng hậu để tung tin ngay, để đưa sự việc vào thế đã rồi. Tuy nhiên, bên Công an lại ngang nhiên chà đạp lên luật pháp để thả người, thì đây là trò thách thức giữa các thế lực chính trị, chứ không phải là một vụ án buôn ma túy thông thường.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)