Link Video: https://youtu.be/qFz1UG91SA8
Theo tin tức từ tờ báo mạng Hà Nội mới, mới hôm 4/3, “Bộ Tài chính Mỹ ngày 2/3 đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với ngành hóa dầu của Iran và một số hãng vận tải biển có liên quan tới nước này. Các lệnh trừng phạt nhằm vào 11 công ty và 20 hãng tàu vận tải có liên quan đến hoạt động giao dịch dầu mỏ và hóa dầu của Iran”.
Theo đó, các công ty này sẽ bị phong tỏa tài sản hiện có tại Mỹ và bị cấm giao dịch với công dân và tổ chức của Hoa Kỳ. Công ty Hóa dầu Bushehr và Công ty Hóa dầu Shiraz của Iran nằm trong số những mục tiêu của lệnh trừng phạt mới. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chỉ cấp giấy phép chung, hạn chế cho một số hoạt động đối với những con tàu nằm trong lệnh trừng phạt.
“Các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc, gồm Global Marine Ship Management và Shanghai Xuanrun Shipping. Phía Mỹ cáo buộc các công ty này cố ý tham gia vào các giao dịch để vận chuyển sản phẩm hóa dầu từ Iran. Tài sản của 2 công ty tại Mỹ bị đóng băng và công dân Mỹ bị cấm giao dịch với các công ty kể trên.” Báo Hà Nội mới cho biết thêm.
20 tàu vận tải nằm trong danh sách bị trừng phạt của Hoa Kỳ thuộc về một số công ty của Trung Quốc, Thụy Điển và một công ty Việt Nam với 8 chiếc tàu tham gia vận chuyển cho Iran.
Theo báo Người Việt đăng tin ngày 3/3, “Các tàu này mang cờ hiệu nhiều nước khác nhau như Panama, Tuvalu, Togo và Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ truy cứu nguồn gốc chủ tàu, thì những tàu đó đều trực thuộc công ty nói trên, có trụ sở ở Hà Nội”.
“Bộ Tài chính Mỹ nêu đích danh tên tám chiếc tàu của Công ty Cổ phần Dầu khí và Bất động sản Sen Vàng (tên tiếng Anh là Golden Lotus Oil Gas and Real Estate Joint Stock Company), có trụ sở tại 67 Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, tham gia vào chuyện chở dầu đi bán cho Iran.” Tờ báo mạng Người Việt cho biết thêm.
Như vậy, cách đây không lâu, một chiếc tàu chở dầu của Việt Nam đã bị Tây Ban Nha bắt giữ vì vi phạm lệnh cấm vận của châu Âu đối với Nga, thì nay, một công ty kinh doanh dầu khí lại dính líu đến hoạt động vi phạm lệnh cấm của Mỹ. Xăng dầu ở Việt Nam đã từng thiếu nhiều đợt trong năm 2022 và đầu năm 2023, với tình hình này, nguy cơ tiếp tục thiếu xăng dầu là rất cao.
Nhiều năm qua, Iran đã nằm trong danh sách bị cấm vận của Hoa Kỳ. Gần đây Iran lại bị cấm vận nghiêm ngặt hơn, sau khi Mỹ cáo buộc nước này giúp cho Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, bằng cách cung cấp tên lửa và máy bay không người lái. Do đó, như một biện pháp tăng cường, Hoa Kỳ cũng áp đặt lệnh cấm vận nói trên lên tất cả những quốc gia hoặc công ty tiếp tay trực tiếp hoặc gián tiếp giúp Iran vận chuyển, buôn bán dầu khí.
Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt, Phái đoàn Thường trực của Iran tại Liên Hợp Quốc cho rằng, chính quyền hiện tại của Tổng thống Mỹ Joe Biden về căn bản đã áp dụng lại chính sách gây sức ép tối đa của cựu Tổng thống Donald Trump. Bài báo trên VOA tiếng Việt ngày 3/3 cho biết.
Phái đoàn này tuyên bố: “Iran đã dần quen với các biện pháp trừng phạt này,” nhưng bên cạnh đó cũng cảnh báo rằng, Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt, nếu sau này Mỹ muốn tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Cấm vận quốc tế là biện pháp hạn chế từng phần hoặc ngăn chặn hoàn toàn các giao dịch tùy mục đích của loại cấm vận. Cấm vận kinh tế với mục đích nhằm gây ảnh hưởng tới chính trị và quân sự hiện đang được Mỹ và Châu Âu áp dụng đối với Nga, Iran và một số nước.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ, việc Bộ Tài chính Mỹ đưa tên Công ty Sen Vàng vào danh sách đen, sẽ có tác dụng và ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa Washington và Hà Nội hay không.
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> “Cô Đào” Hồng Lan “dí”, hai chàng chạy “thục mạng”, chàng nào đang chuẩn bị?
>>> “Siêu cò” Nguyễn Thị Thanh Nhàn quyền lực khuynh đảo, quan cấp tỉnh phải thỉnh bà cò
>>> Nguyễn Minh Triết nhạy bén chính trị hay 3 Dũng chớp thời cơ cho con?
Ngăn cản người phản biện nghiêm túc, đất nước này sẽ đi về đâu?