Link Video: https://youtu.be/F8kcr2RFEuM
Truyền thông Nhà nước trong những ngày qua loan tin đã có thêm ba luật sư bị bắt, trong đó hai người là Đặng Thị Hàn Ni và Trần Văn Sỹ, có tên trong đơn tố cáo của bà Nguyễn Phương Hằng. Người còn lại là tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, người đã tham gia các buổi livestream của bà Hằng.
Cả ba đều bị khởi tố theo điều 331 Bộ luật Hình sự với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân“.
Hàn Ni (tên đầy đủ là Đặng Thị Hàn Ni) là nhà báo của tờ Sài Gòn Giải Phóng, đồng thời cũng là thành viên Đoàn Luật sư TPHCM, bị Công an TP. HCM khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24/2. Nhà báo Hàn Ni liên quan vụ lùm xùm trong suốt một loạt những buổi livestream của bà Phương Hằng, và cũng trong tháng 4/2022, đã nộp đơn tố giác bà Hằng đến Công an TP. HCM.
Theo thông tin trong bài báo hôm 24/2 của đài Á Châu Tự do, “Nhà báo Hàn Ni là người bị bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) tố cáo tới công an là có “hành vi xúc phạm, vu khống” và tấn công quỹ Hằng Hữu của Công ty Cổ phần Đại Nam. Bà Hằng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bà Hàn Ni; buộc chấm dứt việc sử dụng hình ảnh của bà khi không được sự đồng ý, đồng thời bồi thường thiệt hại.”
Nhà báo Hàn Ni (sinh năm 1977) sau loạt bài điều tra về quán cà phê Xin Chào vào năm 2016 đã giúp chủ quán này thoát khỏi tù oan. Loạt bài báo được giải Nhất giải Báo chí TP.HCM lần thứ 34 thể loại Phóng sự điều tra, cũng đã giúp bà Hàn Ni nổi lên với biệt danh là “Bông hồng thép” trong làng báo chí TP. HCM.
Trong cùng ngày 24/2, Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, người đã tham gia các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc theo điều 331, tờ báo Công An đưa tin hôm 25/2. Ông Đặng Anh Quân, giảng viên Trường đại học Luật TP. HCM, được cho có vai trò là đồng phạm với bà Nguyễn Phương Hằng.
Đài Rfa, hôm 24/2, thông tin lý do ông Quân bị bắt là vì trong một một số lần livestream của bà Hằng, vị luật sư này “đã có phát ngôn “không chuẩn mực” về các bị hại”.
Đài Rfa cho biết: “Đáng chú ý là một buổi livestream vào ngày 14/11/2021 khi bà Hằng và những khách mời của buổi này trong đó có Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân đã “đổ đồng” báo chí cách mạng với báo chí phản động vì đã chỉ trích bà Hằng.”
“Những phát ngôn về “báo chí cách mạng” trong livestream này sau đó đã bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xác định là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam.” – Theo đài Á Châu Tự do.
Một luật sư khác trong đơn tố cáo của bà Phương Hằng cũng đã bị bắt ngay ngày hôm sau. “Luật sư Trần Văn Sỹ thuộc Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long hôm 25/2 bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, theo điều 331 Bộ luật hình sự.” – Theo đài Rfa đưa tin trong ngày 25/2.
Trong ngày 26/2, trên facebook cá nhân ở chế độ bạn bè, luật sư Trần Đại Lâm đã chia sẻ: “Điều 258 trước đây hay là Điều 331 bây giờ là một nỗi ám ảnh, gây hoang mang đối với người học Luật và dân trí thức bởi ranh giới của điều này là quá mỏng manh.
Hiện thực cho thấy, ngay cả những chuyên gia lão luyện với đầy bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm trong nghề (Luật) cũng không thể tránh khỏi.”
Cũng giống như điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, điều 331 được cho là mơ hồ nhằm quy chụp và đàn áp người bất đồng chính kiến, vì không có văn bản pháp luật quy định rõ ràng thế nào là “lợi dụng” và thế nào là “xâm phạm lợi ích” trong Điều luật 331 này.
Cho đến nay, đã có nhiều nhà hoạt động, nhà báo, luật sư bị khởi tố và bắt giam liên quan đến Điều 331 ở Việt Nam.
Quang Minh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ghế Chủ tịch nước là Thưởng hay phạt?
>>> Chính trị Việt Nam có thay đổi khi có tân Chủ tịch nước hay không?
>>> Còi thì to mà chất lượng thì bé
Để Tướng Vịnh phát biểu trái chiều với quan điểm của Đảng, phải chăng gió đã đổi chiều?