Sabeco từ bãi rác trong tay nhà nước, trở thành “viên ngọc quý” trong tay tỷ phú Thái Lan

Ngày 4/2, truyền thông nhà nước đưa tin, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn, viết tắt là Sabeco, vừa công bố báo cáo tài chính, với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt gần 5.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trang tinnhanhchungkhoan.vn cho hay, để có được mức lợi nhuận đột phá này, Sabeco đã có nhiều chương trình hỗ trợ bán hàng, tiếp thị, giúp thúc đẩy doanh số, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí…

Sabeco đạt lợi nhuận gần 5.500 tỷ đồng

Sabeco trước đây là một doanh nghiệp nhà nước, chịu sự quản lý của Bộ Công thương. Vào năm 2017, hãng Thaibev đã mua lại 54% cổ phần của công ty này với giá 4,8 tỷ USD và trở thành công ty mẹ của Sabeco. Ông Thapana Sirivadhanabhakdi – CEO ThaiBev, tự hào chia sẻ: “Sabeco là viên ngọc quý của chúng tôi – một tài sản quý hiếm trong tất cả các tài sản liên quan tới ngành sản xuất bia trong khu vực Đông Nam Á”.

Trước khi rơi vào tay tỷ phú người Thái, Sabeco dưới sự quản lý của nhà nước đã một thời làm ăn bết bát và đầy sóng gió với những khoản nợ khủng và những mâu thuẫn nội bộ.

Cuối năm 2014, ông Vũ Quang Hải đã được điều về làm Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Sabeco và trở thành thành viên HĐQT Sabeco, nhờ những quyết định bổ nhiệm thần tốc nhưng lại sai quy định của Bộ Công thương. Đến ngày 30/12/2016 – ngay trước thời điểm chốt sổ năm tài chính 2016, Sabeco đã quyết định miễn nhiệm tư cách Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đối với ông Vũ Quang Hải.

Điều đáng nói là, ông Vũ Quang Hải là con trai ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương lúc đó.

Sau khi thu mua Sabeco, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã gặp phải rất nhiều phiền toái do món nợ 3.140 tỷ đồng tiền thuế trong những năm từ 2007 đến 2015 do bộ sậu lãnh đạo cũ gây nên. Họ là những kẻ hưởng lương nhà nước để đi điều hành doanh nghiệp, và họ là bộ hạ của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Cục Thuế TP.HCM thậm chí đã ra quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, bằng biện pháp trích từ tài khoản ngân hàng của Sabeco số tiền thuế và phạt nộp thuế chậm trả.

Món tiền bị cưỡng chế 3.140 tỷ đồng này gồm: Tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014 và tiền phạt vi phạm hành chính về thuế của Sabeco. Trong đó, số chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2007 – 2015 là hơn 2.645 tỉ đồng, và tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỉ đồng.

Văn phòng Chính phủ đã phải can thiệp vào quyết định cưỡng chế này, sau khi bị Sabeco phải đối. Cụ thể, ngày 2/1/2019, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Tài chính và Ủy ban Nhân dân TP.HCM, yêu cầu chưa cưỡng chế Sabeco nộp tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính.

Sóng gió trong nội bộ Sabeco khi còn do nhà nước quản lý

Đương nhiên, Cục thuế TP. HCM phải dừng cưỡng chế từ 2/1/2019. Sau đó, đến tháng 4/2020, Cục thuế TP. HCM gửi thông báo cho Sabeco rằng “Quyết định cưỡng chế ngày 24/12/2018 đã hết hiệu lực”.

Quá trình mua bán Sabeco cũng gần như một quá trình lừa đảo. Có lẽ được mối mai dẫn dắt, tháng 10/2017, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi thành lập Công ty TNHH Vietnam Beverage (VietBev) để đủ tư cách pháp nhân đấu giá cổ phiếu Sabeco vào ngày 18/12/2017. Nghĩa là việc thành lập công ty mới để mua Sabeco chỉ diễn ra 2 tháng trước ngày đấu giá, một khoảng thời gian quá ngắn để nhà đầu tư có thể tìm hiểu rõ tình hình của công ty mà họ muốn thu mua.

Sau đó, Bộ Công thương đã chào bán 343.642.587 cổ phiếu SAB của Sabeco, tương đương 53,59% cổ phần và VietBev đã đấu mức giá “siêu khủng” 320.000 đồng/ cổ phiếu, tương đương 4,8 tỷ USD. Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã chuyển đủ số tiền này chỉ sau 9 ngày đấu giá thành công.

Thủ tướng Việt Nam lúc đó, ông Nguyễn Xuân Phúc đã “tự hào” nói rằng: “Nếu bán cổ phần vào thời điểm đầu năm 2017 thì chỉ thu lại được khoảng 2 tỷ USD. Nhưng Chính phủ đã lựa chọn phương án niêm yết cổ phiếu Sabeco lên sàn chứng khoán và kết quả thu lại được 5 tỷ USD. Con số gấp tăng gần 2,5 lần chỉ trong vòng 1 năm cho thấy chiến lược đúng đắn được Chính phủ lựa chọn”.

Đến tháng 6/2022, giá cổ phiếu SAB chỉ còn 155.200 đồng/cổ phiếu, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã lỗ hơn 2,4 tỷ USD. Báo chí Việt Nam cười ngạo rằng “Nếu so với con số 320.000 đồng/ cổ phiếu, ThaiBev đã bỏ ra để thâu tóm cổ phần của SAB thì khoản đầu tư này đã mất đi hơn 50% giá trị, giá cổ phiếu”.

Giờ đây, có ai thấy nhục khi ca ngợi Sabeco là “viên đá quý” của Đông Nam Á!

 

Hoàng Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)