Ngày 19/1, trang Tiếng Dân đã đăng bài “Lịch sử cần sòng phẳng, rõ ràng với nhau” của tác giả Đỗ Thành Nhân, trong đó, tác giả khẳng định “Đã đến lúc cần có Luật Hiến pháp và Tòa án Hiến pháp để phán quyết những trường hợp như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc”.
Đây là một bài viết khá chuẩn xác, đề cập đến cách nhận thức đúng đắn về quyền hạn, trách nhiệm của quan chức, và cách hành xử dựa trên pháp luật, chứ không phải độc tài, độc đoán như Cộng sản. Thoibao.de xin giới thiệu tóm lược bài viết này đến bạn đọc.
Trong phần mở đầu, tác giả viết:
“Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản có vị Chủ tịch nước (bị buộc, xin) thôi chức giữa nhiệm kỳ để nghỉ hưu. Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Phúc dù sao cũng là Chủ tịch nước, về mặt đối ngoại là “nguyên thủ quốc gia” – là một nhân vật của lịch sử hiện đại, nên cũng cần sòng phẳng, rõ ràng với nhau về công và tội của ông Phúc.”
Tác giả cho rằng “Trung ương Đảng và Quốc hội cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước là hoàn toàn đúng. Đất nước này không thiếu người có tài năng, uy tín và đạo đức để làm người đại diện cho quốc gia”.
Nhưng việc quy cho ông Phúc “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 đồng chí Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự” là cần xem xét lại.
Tác giả đặt ra 2 vấn đề:
“Thứ nhất: cần xác định rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu.
– Nếu trách nhiệm về Quản lý nhà nước trước Hiến pháp và pháp luật, thì các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng thuộc Chính phủ mà Thủ tướng là người đứng đầu, chứ không phải Chủ tịch nước.
– Nếu trách nhiệm về mặt Đảng đối với các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị (Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh), thì ông Nguyễn Xuân Phúc không phải là người đứng đầu.
Thứ hai: cần xác định thời gian xảy ra sai phạm.
Những Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, cán bộ sai phạm đều là người của Chính phủ nhiệm kỳ mới, được Quốc hội phê chuẩn.
Hầu hết những sai phạm của những vị nói trên, đến mức phải bị truy tố, kỷ luật, đều liên quan tới chống dịch Covid, tới Việt Á, tới các chuyến bay giải cứu, xảy ra chủ yếu trong nhiệm kỳ Chính phủ mới, chứ không phải thời ông Phúc làm Thủ tướng Chính phủ.”
Như tác giả phân tích, thì việc quy trách nhiệm này là không hợp lý. Tác giả lập luận tiếp:
“Nếu nhiệm kỳ Chính phủ trước ông Phúc làm sai (hoặc không phù hợp), thì nhiệm kỳ mới, Chính phủ mới, Thủ tướng mới có quyền và phải có trách nhiệm điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.”
Như vậy, nếu nói về trách nhiệm thì ông Phạm Minh Chính mới là người chịu trách nhiệm cho những sai phạm trên, theo lập luận của tác giả.
Cũng theo tác giả, cho dù ông Nguyễn Xuân Phúc có sai phạm, thì ông “vẫn còn quyền con người, quyền công dân, ông chưa có tội gì, cho đến khi Tòa án phán quyết. Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải là cái thùng rác để đổ hết tất cả trách nhiệm, tội lỗi vào đó, là điều không công bằng với ông ta”.
“Điều quan trọng là ông Nguyễn Xuân Phúc từng là “nguyên thủ quốc gia” – là con người của lịch sử nên cần đánh giá trung thực, khách quan về lịch sử.”
Tác giả cũng nói thêm rằng:
“1. Nếu cho rằng bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hoặc những người có quan hệ với ông Phúc “lợi dụng ảnh hưởng” để trục lợi, làm bậy, thì đây thuộc là vấn đề của thể chế, pháp luật chứ không phải riêng bà Thu.”
“2. Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc không phải “BỊ BUỘC thôi chức” mà “TỰ NGUYỆN XIN thôi chức” thì phải nói là ông Phúc còn hơn những “người tử tế” khác.”
Có thể nói, những phân tích của tác giả Đỗ Thành Nhân là đúng đắn dựa trên quan điểm pháp quyền, quyền lực quốc gia dựa vào luật pháp. Trong cơ chế pháp quyền, không có ai, cá nhân hay tổ chức nào có thể tự quyết vấn đề sinh mệnh, bao gồm sinh mệnh chính trị của người khác. Tất cả mọi việc phải được xử lý theo đúng pháp luật và minh bạch, và phải do tòa án quyết định.
Hoàng Anh – thoibao.de (Tổng hợp)