Quá cả tin vào SCB, người mua trái phiếu không còn hy vọng lấy tại tiền

Địa điểm đón tiếp khách hàng để tiếp nhận thông tin liên quan đến việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp tại trụ sở SCB 242 Cống Quỳnh được triển khai từ ngày 18/11/2022

Hơn 40.000 người trên khắp cả nước đang đứng trước khả năng không thể lấy lại khoản tiền đã đầu tư vào trái phiếu Công ty An Đông, với tổng số tiền lên đến 25.000 tỷ đồng. Tin vào ngân hàng SCB, nhiều khách hàng đã mua lầm trái phiếu của công ty con thuộc tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sau khi bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn này bị bắt ngày 7/10 với tội danh ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, số tiền đầu tư vào trái phiếu An Đông của các nạn nhân cũng có khả năng bị mất trắng.

Nhiều nhà đầu tư đã hẹn nhau cùng đến Ngân hàng SCB để đòi tiền. Những người này đã căng biểu ngữ, phát loa đòi tiền, yêu cầu SCB làm rõ trách nhiệm và giải quyết vấn đề… đã làm chấn động dư luận và mạng xã hội. Nhưng tuyệt nhiên, báo chí trong nước tuân theo định hướng và chỉ đạo của Đảng đã im lặng trước những biến cố này.

VOA Tiếng Việt hôm 5/1 đã có bài báo phỏng vấn một vị khách hàng thân thiết tên Tr. của Ngân hàng SCB, về vụ lừa mua trái phiếu mà ông là một nạn nhân trực tiếp. Vị khách này cư ngụ ở Hà Nội, cho biết, mình 60 tuổi, do sức khỏe yếu nên đã nghỉ hưu. Vì không có kênh đầu tư nào khác có thể an tâm, nên ông gom tất cả tài sản gửi vào ngân hàng SCB, với mục đích lấy tiền lãi để sống trong những năm cuối đời. Vì tin vào ngân hàng nên ông “mới sập bẫy trái phiếu”, do nhân viên của họ “đưa ra đủ lời hứa hẹn và đảm bảo”.

Ông chia sẻ với VOA Tiếng Việt rằng, khi sổ tiết kiệm cũ đến hạn, ông lên ngân hàng rút tiền, thì “người ta giới thiệu mua cái này tiện lợi hơn, lời nhiều hơn”. Và thế là, theo lời dẫn dụ, ông đã chuyển qua mua trái phiếu An Đông.

Vị khách này cho biết, ông có tới 5 hợp đồng mua trái phiếu, với tổng số tiền 5-6 tỷ đồng, trong đó có hai hợp đồng đã đến kỳ đáo hạn hai tháng nay.

“Bên SCB nói rằng, phải đợi cơ quan công an điều tra xong mới giải quyết,” ông nói. Và khi ông đến yêu cầu giải quyết, lãnh đạo SCB đã “nói lòng vòng là ông ta chỉ là người thừa hành thôi, vẫn phải đợi chỉ đạo của cấp trên”.

“Ngân hàng họ nói họ chỉ bán thôi chứ không biết sản phẩm như thế nào,” ông cho biết thêm.

Ông Hoàng Minh Hoàn – Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) khẳng định, Công ty An Đông không phải là cổ đông của SCB tại cuộc họp báo chiều ngày 8/10/2022

Ngoài ngân hàng SCB, những nạn nhân còn đến cả các cơ quan chính quyền đề cầu cứu, nhưng chỉ nhận lại kết quả vô vọng.

Ông kể rằng, có nghe các lãnh đạo Bộ Tài chính “hứa này hứa kia, rằng họ sẽ đảm bảo quyền lợi cho người đầu tư nhưng cuối cùng cũng chẳng có giải pháp cụ thể nào cả”.
Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân đã ra đến ủy ban phường, xã kêu cứu, nhưng đều chỉ nhận lại sự thờ ơ từ phía các cơ quan này. Đến đường cùng, một số nạn nhân đã gửi đơn tố cáo ngân hàng SCB lừa đảo đến công an.

Một tiết lộ đáng sợ hơn của nạn nhân này, đó là, hợp đồng SCB đưa cho ông thì ông là người ký bên mua, phần “bên bán không thấy ghi là ai cả”. Thắc mắc, ông có hỏi lại thì chỉ nhận được câu trả lời là “chú không cần quan tâm”.

Sau hơn một tháng kể từ ngày ký, ông mới nhận lại được hợp đồng, và lúc này “mới biết mình mua trái phiếu của An Đông”.

Ông khẳng định, “Nếu chúng tôi là nhà đầu tư trái phiếu thật sự, thì chúng tôi chấp nhận hậu quả, không kêu ca gì cả.” Nhưng sự thật lại quá trớ trêu: “Chỗ chúng tôi tin tưởng nhất, ai ngờ lại là nơi đi lừa mình”, ông chua chát nói.

Ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM (người đang đứng) tại Họp báo thông tin hoạt động ngân hàng SCB chiều 8/10/2022.

Trước vụ việc có dấu hiệu lừa đảo và tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người, khiến họ rơi vào đường cùng túng quẫn, thật sự rất nghiêm trọng. Nhưng tuyệt nhiên cho đến nay, không một cơ quan chức năng nào có động thái lên tiếng hay vào cuộc. Những nạn nhân cố gắng “còn nước còn tát” đã cầu cứu khắp nơi, cũng còn chỉ biết cất tiếng nói trong vô vọng.

Hy vọng lớn nhất của hàng ngàn nạn nhân SCB lúc này là sự vào cuộc của Chính phủ, chỉ đạo trực tiếp cho những bên liên quan phải giải quyết cho các nhà đầu tư theo đúng điều kiện đã ghi trong hợp đồng.

 

Quang Minh – thoibao.de (Tổng hợp)