Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt nhân quyền lên Trung Quốc, Myanmar và Triều Tiên

Link Video: https://youtu.be/iPSLlqfCl0M

Hoa Kỳ hôm 10/12 áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến nhân quyền đối với hàng chục cá nhân và thực thể của Trung Quốc, Myanmar, Triều Tiên và Bangladesh, đồng thời đưa công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime Group của Trung Quốc vào danh sách đen đầu tư.

Canada, Vương quốc Anh cũng tham gia cùng với Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến tình trạng lạm dụng nhân quyền ở Myanmar, trong khi Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đầu tiên đối với Triều Tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, và nhắm mục tiêu vào các thực thể quân sự ở Myanmar và những nơi khác nhân Ngày Nhân quyền.

Hành động của chúng tôi hôm nay, đặc biệt là những hành động hợp tác với Vương quốc Anh và Canada, gửi một thông điệp rằng các nền dân chủ trên thế giới sẽ hành động chống lại những kẻ lạm dụng quyền lực nhà nước để gây ra đau khổ và đàn áp”, Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo nói trong một tuyên bố.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ trong tuyên bố cho biết họ đã thêm công ty trí tuệ nhân tạo SenseTime của Trung Quốc vào danh sách “các công ty phức hợp công nghiệp-quân sự Trung Quốc”, cáo buộc công ty này đã phát triển các chương trình nhận dạng khuôn mặt có thể xác định sắc tộc của mục tiêu, đặc biệt tập trung vào việc xác định sắc tộc Uyghurs.

Vì vậy, công ty này sẽ bị cấm đầu tư đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc và các nhóm nhân quyền ước tính hơn 1 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và người dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong nhiều năm gần đây tại hệ thống trại giam lớn của Trung Quốc ở vùng Tân Cương.

Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc về nhân quyền ở Tân Cương.

Ngoài ra, Đơn vị phản ứng nhanh chống ma túy của Bangladesh cũng bị cáo buộc “vi phạm nhân quyền” và đe dọa lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

Ảnh: Tổng thống Joe Biden (trái) họp thượng đỉnh trực tuyến về nhân quyền với các lãnh đạo thế giới vào ngày 9/12/2021.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ áp biện pháp trừng phạt với 2 tổ chức cung cấp nguồn dự trữ cho quân đội Myanmar, trong đó có Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, nơi sản xuất vũ khí cho quân đội và cảnh sát để sử dụng trong chiến dịch trấn áp biểu tình sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

Bộ Tài chính Mỹ cũng trừng phạt 4 quan chức cấp vùng, trong đó có ông Myo Swe Win, người đứng đầu vùng Bago, Myanmar nơi Mỹ nói rằng đã có ít nhất 82 người thiệt mạng chỉ trong 1 ngày của tháng 4.

Mỹ cũng đưa Văn phòng Công tố trung ương Triều Tiên, cựu bộ trưởng an sinh xã hội và Bộ trưởng các lực lượng vũ trang nhân dân Ri Yong Gil được bổ nhiệm gần đây, vào danh sách đen. Một trường đại học của Nga bị Mỹ cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên xuất khẩu lao động cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Bộ Ngoại giao Mỹ cấm thêm 12 cá nhân đến Mỹ, bao gồm các quan chức ở Trung Quốc, Belarus và Sri Lanka.

Phái bộ Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc và các đại sứ quán của Trung Quốc, Myanmar và Bangladesh tại Washington vẫn chưa đưa ra bình luận gì về hành động nói trên của Mỹ.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tập hợp hơn 100 nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Ba 7/12 trong “Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ” diễn ra qua mạng nhằm chống lại chế độ chuyên chế – và đã không mời Nga và Trung Quốc một cách có chủ ý.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Biden nói rằng tự do toàn cầu đang bị đe dọa bởi những kẻ chuyên quyền đang tìm cách bành trướng quyền lực, xuất khẩu sự ảnh hưởng và biện minh cho sự đàn áp.

Tổng thống Mỹ không nêu đích danh bất kỳ quốc gia nào, nhưng các cường quốc có chế độ chuyên chế là Trung Quốc và Nga đều vắng mặt trong danh sách khách mời.

Các quan chức Mỹ đã hứa hẹn về một năm hành động sẽ tiếp nối vào hội nghị kéo dài hai ngày của 111 nhà lãnh đạo thế giới.

Nhà Trắng cho biết họ đang làm việc với Quốc hội để cung cấp 424,4 triệu đô la cho một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới, bao gồm hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông tin tức độc lập.

Sự kiện tuần này diễn ra đúng lúc có những câu hỏi về sức mạnh của nền dân chủ Mỹ.

Tổng thống thuộc đảng Dân chủ đang chật vật để chương trình nghị sự của mình được thông qua tại một Quốc hội bị phân cực và sau khi ông Trump thuộc đảng Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử năm 2020.

Một danh sách khách mời được công bố hồi tháng trước cho thấy hội nghị có sự tham gia của cả những quốc gia có lãnh đạo bị các nhóm nhân quyền cáo buộc là có khuynh hướng độc tài, như Philippines, Ba Lan và Brazil.

Danh sách cũng có tên Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận, Bắc Kinh coi hòn đảo có chế độ dân chủ là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh, Washington đã công bố các lệnh trừng phạt các quan chức ở Iran, Syria và Uganda mà họ cáo buộc rằng các nhân vật đó đàn áp người dân, Washington cũng trừng phạt những người mà họ cáo buộc là có liên quan đến tham nhũng và các băng nhóm tội phạm ở Kosovo và Trung Mỹ.

Các quan chức Hoa Kỳ hy vọng sẽ giành được sự ủng hộ trong các cuộc họp dành cho các sáng kiến toàn cầu như sử dụng công nghệ để tăng cường quyền riêng tư hoặc vượt qua kiểm duyệt.

Họ cũng hy vọng các quốc gia đưa ra các cam kết công khai, cụ thể để cải thiện nền dân chủ của họ trước khi diễn ra một hội nghị thượng đỉnh nữa vào cuối năm 2022, khi đó các đại biểu sẽ có mặt trực tiếp.

Các nhà hoạt động Myanmar phản đối quân đội bằng ‘cuộc đình công thinh lặng’

Những người biểu tình ở Myanmar đã đóng cửa các doanh nghiệp và vắng mặt trên đường phố hôm 10/12 trong một “cuộc đình công thinh lặng” chống lại sự cai trị của quân đội và việc lật đổ chính phủ dân cử tại quốc gia Đông Nam Á trong cuộc đảo chính hồi tháng Hai.

Các bức ảnh do truyền thông Myanmar đăng lên cho thấy những con phố và khu chợ vắng vẻ ở các thị trấn trên khắp cả nước, trong khi những người biểu tình ở thành phố Shwebo, miền bắc nước này mặc quần áo đen và tuần hành trong im lặng.

Chúng tôi cần gửi một thông điệp ra thế giới về những vi phạm nhân quyền khủng khiếp ở Myanmar”, thủ lĩnh cuộc biểu tình Khin Sandar nói với truyền thông.

Im lặng là tiếng thét lớn nhất. Chúng tôi muốn giành lại quyền lợi của mình. Chúng tôi muốn cách mạng. Chúng tôi bày tỏ nỗi đau đối với những anh hùng đã ngã xuống”, bà Khin Sandar nói thêm.

Myanmar rơi vào khủng hoảng từ khi quân đội lật đổ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ của bà vào ngày 1/2, gây ra các cuộc biểu tình hàng ngày ở các thị trấn và thành phố và giao tranh ở vùng biên giới giữa quân đội và quân nổi dậy người thiểu số.

Khôi nguyên Nobel Suu Kyi, 76 tuổi, đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác nhau và bị kết án bốn năm tù hôm thứ Hai với tội danh đầu tiên là kích động và vi phạm các quy định về COVID-19, khiến quốc tế lên án và các nhà phê bình mô tả là “một phiên tòa nguỵ tạo”.

Lãnh đạo chính quyền quân sự sau đó đã giảm án cho bà hai năm vì “lý do nhân đạo” nhưng những cáo buộc mà bà vẫn đang phải đối mặt có thể khiến bà bị bỏ tù trong nhiều năm.

Theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), các lực lượng quân đội đang tìm cách đè bẹp phe đối lập, khiến cho hơn 1.300 người thiệt mạng.

Chủ nhật tuần trước, 5 người đã thiệt mạng và ít nhất 15 người bị bắt sau khi binh lính dùng một chiếc ô tô đâm vào một cuộc biểu tình chống đảo chính ở thành phố Yangon.

Truyền thông nhà nước Myanmar bác bỏ các báo cáo về vụ việc, nói đó là thông tin sai lệch.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Tòa án Đức xét xử nhân viên „mật vụ Nga“ vì tội ám sát tại Berlin

>>> Nhân quyền không phải là miếng ăn

>>> Những ‘chuyến bay giải cứu’ bóp cổ đồng bào hồi hương

Sau vụ cháy xe Lux, Vingroup khởi công dự án sản xuất pin cho ô tô điện tại Vũng Áng


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT