Hacker Trung Quốc do thám mạng Quốc hội Việt Nam “xem ai chống đối hay ủng hộ Bắc Kinh”

Link Video: https://youtu.be/etLB1jz1_Cw

Insikt Group, một đơn vị nghiên cứu của công ty an ninh mạng Recorded Future có trụ sở ở Hoa Kỳ, hôm 8 tháng 12 công bố một báo cáo về hoạt động gián điệp mạng của Trung Quốc, nhắm vào các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á đặc biệt là có cả Việt Nam nhằm “xem ai chống đối hay ủng hộ Bắc Kinh”, bản tin trên đài Á châu  tự do cho biết hôm 10-12.

Ba cơ quan Đảng/Chính phủ được nêu tên trong báo cáo bị TAG-16 – nhóm hacker bị nghi là được hậu thuẫn bởi chính phủ Trung Quốc do thám mạng gồm: Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường thuộc Bộ Tài nguyên môi trường, Quốc hội và Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điểm đáng chú ý được báo cáo này nêu ra là hoạt động gián điệp mạng chủ yếu nhắm vào những nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, hoặc những nước có những dự án quan trọng thuộc Sáng kiến Vành đai-Con đường như Campuchia hoặc Lào.

Mục đích được cho là để thu thập thông tin tình báo ở nhiều lĩnh vực khác nhau như an ninh, kinh tế, chính trị nhằm giúp chính phủ Trung Quốc tạo ảnh hưởng sâu rộng hơn ở khu vực.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á châu Tự do, giáo sư Carlyle Thayer, từ trường đại học New South Wales thuộc Học viên Quốc phòng Úc, cho biết nhận đình về vấn đề này:

Điều mà Trung Quốc muốn, thông qua hoạt động [gián điệp mạng] của họ ở những quốc gia này, bao gồm cả Văn phòng Trung ương của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đó là thu thập thông tin tình báo về những cuộc thảo luận nội bộ, xem xem ai ủng hộ Trung Quốc, ai chống lại Trung Quốc, những lằn ranh đỏ là gì, những vị thế mặc cả ra sao, thông tin về thương mại lẫn chính trị. Và sử dụng những thông tin đó để đối phó với những quốc gia này.”

Ảnh: trang mạng chính thức của Vietnam Airlines bị Hacker TQ chiếm quyền kiểm soát trong hơn một giờ vào chiều 29-7-2016, khiến hơn 100 chuyến bay từ Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay

Về riêng trường hợp của Việt Nam – nước đứng thứ ba trong khu vực với hơn 100 mục tiêu bị nhắm đến bởi nhóm hacker Trung Quốc, Giáo sư Thayer bình luận:

Chúng ta biết rằng từ trước khi Internet xuất hiện, thì đã có những cán bộ Việt Nam bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn luôn sử dụng hình thức gián điệp này để phá hoại sự nghiệp chính trị của những chính trị gia ở Việt Nam mà họ cho là thù địch, ví dụ như những chính trị gia có thiên hướng dân tộc chủ nghĩa với những thái độ không được lòng Trung Quốc, ngoài ra thì những thông tin thu thập được cũng sẽ được sử dụng trong các cuộc đàm phán song phương.

Văn phòng trung ương Đảng là một mỏ vàng, đó là nơi mà tất cả những quyết sách tối quan trọng về mọi vấn đề được lưu trữ. Nếu Việt Nam không bảo vệ những thông tin này thì Trung Quốc chắc chắn sẽ lấy được.”

Vào năm 2015, một cựu phóng viên báo Thế giới và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao đã bị kết án sáu năm tù về tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Hồi năm 2018, một cựu cán bộ ngành công an của Việt Nam là Nguyễn Hoàng Dương cũng bị tuyên án bảy năm tù về tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo hôm 9 tháng 12, trả lời câu hỏi của tờ báo Bloomberg về cáo buộc thực hiện gián điệp mạng nhắm đến các quốc gia Đông Nam Á, ông Uông Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này phản đối và kiểm soát mọi hình thức tấn công mạng theo quy định của pháp luật.

Ông Uông cũng khẳng định cáo buộc trên là hành vi “phát tán thông tin giả” nhằm “đánh lừa cộng đồng quốc tế” và chia rẽ các quốc gia với nhau.

Cùng ngày, trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin AP về thông tin vừa được công bố, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, tuyên bố phản đối các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức, và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này, nhưng không nhắc gì đến Bắc Kinh.

Trốn qua Campuchia đánh bạc và thua sạch túi, Nguyễn Hoàng Dương dọa bán tài liệu mật của Bộ Công an cho đại sứ quán Trung Quốc và các tổ chức, cá nhân nước ngoài để ép cấp trên chuyển tiền đánh bạc tiếp.

Ảnh: cán bộ Công an Nguyễn Hoàng Dương bị tuyên án bảy năm tù về tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Ngày 16-4, TAND TP.HCM đã xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hoàng Dương (33 tuổi) 7 năm tù về tội gián điệp, 1 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 8 năm tù.

Theo cáo trạng, Nguyễn Hoàng Dương nguyên là cán bộ đội 9, phòng 3 Cục kỹ thuật nghiệp vụ I (A70), Bộ Công an.

Sáng 19-9-2016, Dương đi theo đường tiểu ngạch trốn sang Campuchia để đánh bạc và thua hết tiền.

Sau đó, Dương nhắn tin cho em gái xin 5,5 triệu đồng đánh bạc nhưng tiếp tục thua hết. Dương tiếp tục giả mạo giang hồ nhắn tin cho em gái Dương nói đang giữ Dương vì thiếu nợ, nếu muốn thả Dương thì chuyển tiền vào tài khoản. Tuy nhiên, em gái Dương không gửi tiền như yêu cầu mà báo công an.

Những ngày sau đó, Dương nhắn tin cho 1 cán bộ đội 9, A70 và ông Dương Danh Kiểm, đội trưởng đội 9, nói nếu không đưa tiền thì Dương sẽ chết.

Do lo ngại Dương xuất cảnh trái phép có thể đem theo tài liệu mật sẽ ảnh hưởng đến đơn vị nên lãnh đạo của Dương đã chuyển cho Dương 5 triệu đồng.

Tuy nhiên Dương không về Việt Nam mà tiếp tục đánh bạc hết số tiền trên.

Dương nhiều lần dùng email, số điện thoại liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia và Đài Châu Á Tự do để bán các tài liệu mật đã sao chép lấy tiền đánh bạc.

Ngày 2-10-2016, Dương đến sòng bạc rút 2 triệu đồng do 1 cán bộ Cục Bảo vệ chính trị II, Tổng cục An ninh, Bộ Công an gửi cho Dương vay. Khi đang rút tiền thì Dương bị Công an Campuchia bắt giao cho Công an Việt Nam.

Về các vụ án này, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đã đưa ra bình luận trên VOA Tiếng Việt như sau:

Chỉ đến đầu năm 2017, một quan chức cấp cao của Bộ Công an Việt Nam là Thiếu tướng Trương Giang Long – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị kiêm giám đốc Học viện chính trị công an nhân dân – mới nói một cách mập mờ về tình trạng gián điệp Trung Quốc kéo theo nhiều quan chức Việt Nam liên đới đang nằm ngay trong bộ máy đảng và chính quyền Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin này cũng chỉ được giới hạn trong một cuộc nói chuyện nội bộ mà không biết vô tình hay hữu ý, video về cuộc nói chuyện của tướng Long đã được tiết lộ trên mạng xã hội.

Cũng có một chứng thực hiếm hoi khác về “gián điệp Trung Quốc”: vào ngày 30/9/2015, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã bất ngờ đưa nhà báo Hà Huy Hoàng ra xử án về tội làm gián điệp cho Trung Quốc.

Ảnh: Thiếu tướng Trương Giang Long – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, đã tiết lộ nhiều quan chức Việt Nam liên đới gián điệp Trung Quốc ở ngay trong bộ máy đảng và chính quyền Việt Nam

Hà Huy Hoàng, 55 tuổi, từng là phóng viên báo Thế giới và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, bị xử vì tội gián điệp theo Điều 80 Bộ Luật hình sự và đã bị án 6 năm tù vì cung cấp thông tin cho tình báo Trung Quốc.

Một chi tiết đáng lưu ý là vụ xử án nhà báo Hà Huy Hoàng được thực hiện vào ngày 30/9/2015, tức chỉ vài ngày sau khi Tập Cận Bình tuyên bố ở Washington “Trường Sa, Hoàng Sa là của… Trung Quốc”.

Động thái chính quyền Việt Nam quyết định xét xử công khai vụ án gián điệp liên quan đến tình báo Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung có dấu hiệu căng thẳng trở lại và nhiều lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là Tổng bí thư Trọng vừa công du Hoa Kỳ vào tháng Bảy năm 2015.

Đương nhiên, một phiên tòa xử án gián điệp Trung Quốc, dù bị cáo là người Việt Nam, vẫn là cú đánh trực tiếp vào thể diện của chính quyền Trung Nam Hải và giới tình báo Hoa Nam.

Có một điểm tương đồng rất quan trọng giữa hai vụ xử Hà Huy Hoàng năm 2015 và vụ xử Nguyễn Hoàng Dương năm 2018: không chỉ quan hệ Mỹ – Trung, mà cả quan hệ Việt – Trung đều có gam màu nóng.

Điểm khác biệt lớn giữa hai vụ xử trên là vụ xử Hà Huy Hoàng xảy ra khoảng hơn một tháng trước khi Tập Cận Bình đến Việt Nam vào tháng Mười Một năm 2015, còn vụ xử Nguyễn Hoàng Dương diễn ra 5 tháng sau khi Tập Cận Bình gặp Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội vào tháng Mười Một năm 2017.”

Ảnh: tin tức về vụ nhà báo Hà Huy Hoàng làm gián điệp cho Trung quốc đã bị báo chí Việt nam xóa sạch, tuy nhiên các báo nước ngoài vẫn còn lưu hình ảnh và thông tin này

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Frank Snepp giải thích Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ Việt Nam Cộng hòa như thế nào

>>> Bang giao Trung – Việt: Liệu có phải sự im lặng trước cơn bão?

>>> Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm nghĩa trang Vị Xuyên: tín hiệu gì?

Những ‘chuyến bay giải cứu’ bóp cổ đồng bào hồi hương


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT