Link Video: https://youtu.be/FezG0z_6FFw
Trong hai ngày 20 và 22 tháng 10, các luật sư bào chữa cũng như gia đình của nhà báo Phạm Đoan Trang làm đơn kiến nghị gửi toà án và trại tạm giam, yêu cầu cho phép bà Trang được tiến hành việc khám và điều trị những vấn đề về sức khoẻ.
Vào ngày 20 tháng 10, bảy luật sư bào chữa của nhà báo Phạm Đoan Trang cùng ký tên vào bản kiến nghị gửi đến Tòa án Nhân dân và Trại Tạm giam số 01 Hà Nội.
Trong đơn, các luật sư đưa ra ba kiến nghị, bao gồm:
Đề nghị toà án tiến hành xác nhận tình trạng sức khoẻ của bà Phạm Đoan Trang và phối hợp với trại tạm giam để tiến hành các thủ tục cho phép bà Trang được khám, chữa bệnh.
Đề nghị Trại Tạm giam số 01 Hà Nội tiến hành khám sơ bộ cho bà Phạm Đoan Trang ngay lập tức, cùng với đề nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội thanh tra việc giam giữ đối với bà Trang để đảm bảo quyền được thăm khám sức khoẻ của bà.
Hôm 22 tháng 10, đại diện gia đình của bà Trang là ông Phạm Chính Trực cũng gửi đơn đề nghị đến các cơ quan có thẩm quyền ở Hà Nội. Trong đơn, gia đình đưa ra hai đề nghị bao gồm: cung cấp các dịch vụ y tế khẩn cấp và cải thiện điều kiện giam giữ cho bà Phạm Đoan Trang, và cho phép nhà báo này được gặp gia đình ngay trong tháng 10 và mỗi hai tuần sau đó.
Trước đó, hôm 19 tháng 10, các luật sư bào chữa có cuộc gặp đầu tiên với nhà báo Phạm Đoan Trang, sau một năm sau bà bị bắt giam và điều tra vì các hoạt động viết sách và viết báo của bản thân. Sau cuộc gặp, các luật sư thông báo rằng bà Trang đang gặp phải các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như đau xương khớp, huyết áp thấp và u nang.
Cũng theo các luật sư thì trong suốt một năm bị giam giữ, nhà báo Phạm Đoan Trang không hề được khám sức khoẻ và mặc dù gặp phải các vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng nhưng bà không được chăm sóc y tế.
Mặc dù phiên toà xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang sẽ diễn ra vào ngày 4 tháng 11 tới đây, tuy nhiên nửa tháng trước phiên xử các luật sư mới được tiếp xúc với thân chủ để chuẩn bị cho phiên toà.
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giữ vào ngày 6 tháng 10 năm 2020. Chính quyền cáo buộc bà phạm tội “truyền truyền chống nhà nước”, được quy định bởi điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999.
Cáo trạng của Viện kiểm sát cáo buộc blogger này có hành vi tàng trữ các tài liệu, bản báo cáo bằng tiếng Anh và tiếng Viêt về các sự kiện nhân quyền, chính trị xã hội nổi bật trong nước những năm vừa qua, trong đó có vụ cưỡng chế đất ở Đồng Tâm và trả lời báo đài nước ngoài là BBC và Đài Á Châu Tự Do.
Hôm 19 tháng 10, luật sư Lê Văn Luân, một trong số các luật sư bào chữa của nhà báo Phạm Đoan Trang đã thông báo trên trang Facebook cá nhân của ông về cuộc gặp với thân chủ trong cùng ngày. Theo đó ông tiết lộ rằng sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị sa sút trong thời gian bị giam giữ.
Bà Phạm Đoan Trang (43 tuổi) bị bắt từ tháng 10 năm 2020 và bị truy tố tội tuyên truyền chống Nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự cũ.
Theo luật sư Luân thì thời tiết chuyển lạnh khiến hai chân của Phạm Đoan Trang bị đau trong thời gian gần đây, đây cũng là di chứng của việc bà Trang bị tấn công dẫn đến vỡ xương đầu gối hồi năm 2015.
Ngoài ra, nhà báo Phạm Đoan Trang cũng chịu các vấn đề sức khoẻ phụ khoa, khi chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, có khi kéo dài lên đến 15 ngày mỗi chu kỳ.
Điều này cộng với vấn đề huyết áp thấp đã khiến bà cảm thấy mệt mỏi thường xuyên.
Một vấn đề nghiêm trong nữa được luật sư Lê Văn Luân tường thuật lại đó là nhà báo Phạm Đoan Trang cho biết bà bị u nang buồng trứng, và trong một năm vừa qua không hề được thăm khám lẫn điều trị.
Những vấn đề sức khoẻ kể trên đã ảnh hưởng lớn đối với bà Phạm Đoan Trang, khiến bà bị sụt 10 kg, theo tường thuật của luật sư Luân.
Để tìm hiểu về những áp lực đối với người bị giam giữ trong thời kỳ tạm giam điều tra, RFA phỏng vấn cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên, bà cho biết:
“Tôi đã từng là người trải qua bốn năm tù, trong đó có khoảng gần 18 tháng ở trại tạm giam. Sau khi mà tôi ra toà, thành án rồi, bị kết án rồi thì mới lên nhà tù Thanh Hoá, đó là trại giam. Thì thời gian ở trong trại tạm giam là khó khăn hơn cả.”
Về vấn đề sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang, bà Phạm Thanh Nghiên lý giải:
“Cái này thì tôi cũng đã từng chứng kiến một số trường hợp, những chị em tù hình sự mà tôi ở cùng, có những người bị rong kinh, thì tôi không biết của Trang là đến mức độ nào, có bị băng huyết không nhưng mà như thế thì cũng đã là đáng lo rồi.
Sau này thì tôi ra tù thì cũng có hỏi một số bác sĩ thì họ nói rằng là do tình trạng lo lắng, stress, thậm chí trầm cảm quá mức bởi vì thời gian tạm giam là thời gian căng thẳng nhất.
Phải đối phó, phải đi cung, phải chịu thẩm vấn, rất là nhiều thứ. Tôi có gọi là trong thời gian án tù, thì thời gian tạm giam là khó khăn nhất, kinh khủng nhất.
Không được gặp thân nhân, không được gặp gia đình, nhất là những vụ án chính trị thì lại không được gặp luật sư nữa.
Cho nên dù có dũng cảm đến mấy, quả cảm đến mấy, tinh thần vững đến mấy thế nhưng mà nó ảnh hưởng rất là lớn đến cái sức khoẻ của mình cả về sức khoẻ thần kinh, tinh thần, tâm lý lẫn thể lý.”
Bà Phạm Thanh Nghiên cũng cho biết mặc dù các trại tạm giam có bệnh xá, nhưng trong các vụ án chính trị thì người bị giam giữ rất khó được tiếp cận việc thăm khám và chữa trị.
Ông Phạm Chính Trực, anh trai nhà hoạt động Phạm Đoan Trang nói với BBC hôm 23/10 rằng từ khi bà Trang bị bắt giam tới nay đã một năm nhưng gia đình chưa một lần được gặp.
“Gia đình đã gửi rất nhiều đơn từ đến các cơ quan như Viện Kiểm sát, Tòa án… Nhưng tới nay không có phản hồi. ,
“Trong giai đoạn điều tra, họ nói thẳng là không được gặp thì chúng tôi đã chấp nhận. Nhưng khi kết thúc điều tra họ vẫn không cho gặp. Các yêu cầu, chất vấn của tôi bị chuyển từ cơ quan này sang cơ quan khác, như quả bóng đá từ chân người này sang người khác vậy.”
Ông Trực cho hay, mới đây, nhóm luật sư bào chữa cho bà Trang đã trao đổi với gia đình ông về vấn đề sức khỏe của bà Trang, được cho là ‘nghiêm trọng’, trong tù.
Ông Trực nói ông mong muốn sự việc này sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên ông không hi vọng nhiều bởi theo ông, quyền cơ bản nhất là được thăm thân gia đình ông cũng chưa được đáp ứng thì không dám mong gì các kiến nghị ‘xa xỉ’ khác được chấp nhận.
Cũng theo ông Trực, mẹ ông là bà Thiện Căn, năm nay đã 80 tuổi, luôn canh cánh bên lòng kể từ khi Đoan Trang bị bắt.
Ông Trực cũng kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước ủng hộ và theo dõi phiên tòa của Phạm Đoan Trang.
Trước đó, bà Trang là nhà báo, đồng chủ biên Luật Khoa Tạp Chí. Bà xuất bản một số sách gây tiếng vang như Chính trị Bình dân, Cẩm nang nuôi tù, Phản kháng phi bạo lực. Bà cũng là đồng tác giả Báo cáo Đồng Tâm song ngữ Anh-Việt.
Bà Trang từng được nhận một số giải thưởng quốc tế về nhân quyền.
Báo Công an Nhân dân ngày 8/10/2020 có bài viết về nhà hoạt động dân chủ Phạm Đoan Trang, trong đó có đoạn:
“Phạm Thị Đoan Trang có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức phản động lưu vong như “Việt Tân”, “VOICE”…, “nổi” lên là một trong những đối tượng cầm đầu nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”.
Bài báo viết bà Trang đã “viết hàng trăm tài liệu nội dung xuyên tạc, phản động; thực hiện trên 50 lượt trả lời phỏng vấn các đài báo nước ngoài; viết, tán phát 10 cuốn sách có nội dung tuyên truyền xuyên tạc thực trạng dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, đả phá, bôi nhọ lãnh đạo Đảng.”
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> NỀN TƯ PHÁP HOANG DẠI Ở VIỆT NAM CÒN TỒN TẠI ĐẾN BAO GIỜ ?
>>> Cảnh sát Đức: Người Việt Nam nhận làm cha giả, hôn thú giả phổ biến tại Berlin
>>> Ý kiến trái chiều xung quanh đám tang của Đức pháp chủ Phật giáo Việt nam
Việt Nam: Nguy cơ bùng phát dịch Covid rất lớn
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT